TIN MỚI NHẤT

VAI TRÒ CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC TRONG CUỘC VẬN ĐỘNG “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA Ở KHU DÂN CƯ”

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (Gọi tắt là Cuộc vận động) đã trải qua 20 năm. Khởi đầu vào năm 1995, do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, với tên gọi “Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”.  

Tổng kết mô hình điểm "Khu dân cư phòng, chống tội phạm" Tân Nghĩa - Hàm Tân
Chủ tịch Nước - Trương Tấn Sang phát biểu tại hội nghị Biểu dương Chủ tịch MT cơ sở tiêu biểu toàn quốc
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang phát biểu tại HN biểu dương
CTMTCS tiêu biểu toàn quốc

Sau khi có Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (Khóa VIII) “Về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”  với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”…  thì Cuộc vận động được hòa nhập trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (Gọi tắt là phong trào). Ở cấp xã trở lên được hình thành Ban Chỉ đạo phong trào; ở thôn, khu phố hình thành Ban vận động Cuộc vận động; giao trách nhiệm cho Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, khu phố làm Trưởng ban vận động, Trưởng thôn, khu phố làm Phó Ban, thành viên là các tổ chức hội, đoàn thể, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ thôn, khu phố. Cuộc vận động trở thành một nội dung lớn của phong trào và được giao cho hệ thống Mặt trận chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn triển khai với 3 tiêu chuẩn xây dựng “Gia đình văn hoá”; 5 tiêu chí xây dựng “Thôn, khu phố văn hoá”.

          Việc triển khai vận động các hộ gia đình xây dựng “Gia đình văn hoá” nhằm nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên của mình có lối sống lành mạnh, trung thực, nhân ái thủy chung, tôn trọng kỷ cương phép nước, cần cù trong lao động và học tập. Xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và có văn hóa, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.

          Nội dung này đã được Ban công tác Mặt trận ở thôn, khu phố thường xuyên quan tâm thực hiện, được hệ thống Mặt trận từ Tỉnh đến cơ sở đưa vào tiêu chuẩn thi đua hàng năm. Chính vì vậy, hàng năm đã có trên 95% số hộ gia đình trong tỉnh đăng ký xây dựng “Gia đình văn hoá”, kết quả bình xét có trên 91% số hộ trong tỉnh được công nhận danh hiệu này. Riêng trong năm 2015, toàn tỉnh có 263.575 hộ/287.094 hộ trong toàn tỉnh đạt “Gia đình văn hoá”, chiếm 91,8%.

         Việc chủ trì và phối hợp của hệ thống Mặt trận, mà nhất là Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đã chủ động tham mưu và vận động nhân dân thực hiện có kết quả nội dung xây dựng “Gia đình văn hoá” theo 3 tiêu chuẩn quy định, đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân ở thôn, khu phố; nâng cao ý thức cộng đồng trách nhiệm, tự phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo làm giàu chính đáng; góp phần thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự ở địa phương... Đây cũng chính là điều kiện và tiền đề vững chắc cho thực hiện xây dựng “Thôn, khu phố văn hoá”.  

         Cùng với nội dung vận động nhân dân xây dựng “Gia đình văn hoá”, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã triển khai tổ chức tốt việc xây dựng “Thôn, khu phố văn hóa” với 5 tiêu chí chủ yếu là: Đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo; phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tương thân tương ái; tổ chức các hoạt động nhân đạo từ thiện; phát huy và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; vận động mọi người sống và làm việc theo pháp luật; xây dựng đời sống văn hoá mới, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc; chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; thực hiện chương trình Dân số – Kế hoạch hoá gia đình và xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh…

         Năm 2015, có 563/705 thôn, khu phố được công nhận “Thôn, khu phố văn hóa”, chiếm tỷ lệ 79,85%. Đặc biệt, đã phát động và công nhận 51/53 cơ sở thờ tự văn hóa, 47/62 dòng tộc văn hóa.

Chủ tịch UBTWMTTQVN trao bằng khen cho CTMT cơ sở tiêu biểu toàn quốc
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trao bằng khen cho CTMT cơ sở tiêu biểu toàn quốc

          Thông qua việc xây dựng thôn, khu phố văn hoá đã củng cố, phát huy tốt tình làng nghĩa xóm, truyền thống tương thân tương ái, thực hiện tốt phong trào xoá đói giảm nghèo và các phong trào thi đua yêu nước khác. Trong đó, nổi bật là việc triển khai có hiệu quả  Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”.  Năm 2015,  Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã huy động gần 10 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới 224 căn nhà cho hộ nghèo, trị giá gần 6 tỷ đồng; ngoài ra, Mặt trận và các hội, đoàn thể thành viên đã vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ trực tiếp (Không thông qua Quĩ “Vì người nghèo”) 124 căn nhà cho đoàn viên, hội viên nghèo, trị giá trên 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã vận động Quĩ bảo hiểm y tế (BHYT) cho hộ cận nghèo được trên 1,2 tỷ đồng, hỗ trợ mua 9.051 thẻ BHYT cho hộ cận nghèo, trị giá 843.100.600 đồng (Phần hỗ trợ 15%, mức 93.150 đồng).  Đến nay, hầu hết các thôn, khu phố không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm đang kể. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo chung đã giảm xuống còn 2,52%. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống cho các đối tượng chính sách và người có công với nước. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”  năm 2015 đã vận động được gần 7 tỷ/6 tỷ đồng chỉ tiêu, hỗ trợ xây mới và sửa chữa 64 căn nhà cho các gia đình có công với cách mạng đang gặp khó khăn về nhà ở. Vận động trên 500 triệu đồng sửa chữa bia ghi danh, địa chỉ đỏ, bia chiến thắng…

          Thông qua Cuộc vận động,  Mặt trận đã phối hợp vận động nhân dân tham gia xây dựng thiết chế văn hoá, tạo ra các hoạt động văn hoá, thể thao lành mạnh. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các khu dân cư trong tỉnh đã tích cực vận động nhân dân đóng góp xây dựng Nhà văn hoá, trụ sở sinh hoạt của thôn, khu phố. Đến nay, trong toàn tỉnh đã có 458 nhà văn hoá thôn, khu phố được nhân dân đóng góp xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng, tiêu biểu cho việc tổ chức xây dựng nhà văn hoá, trụ sở thôn là huyện Hàm Thuận Bắc, với 100% thôn, khu phố đều đã có nhà văn hoá, điểm sinh hoạt của thôn, khu phố.

          Bên cạnh đó, trong năm 2015, thông qua chương trình phối hợp với ngành Công an, Cuộc vận động đã đưa nội dung 3 giảm, vận động toàn dân tham gia tố giác tội phạm, phối hợp thực hiện cảm hóa người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng; duy trì và nhân rộng các mô hình, loại hình câu lạc bộ…Kết quả có trên 500 nguồn tin tố giác tội phạm do nhân dân cung cấp; 317 trường hợp được cảm hóa giáo dục tại cộng đồng, có trên 200 trường hợp tiến bộ sau khi được giáo dục.

           Cũng qua cuộc vận động, đã huy động hàng chục tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động để xây dựng các công trình phúc lợi, chỉnh trang bộ mặt khu dân cư như: nâng cấp đường giao thông nông thôn, bê tông hoá các con hẻm, xây dựng hệ thống nước thải sinh hoạt, xây dựng hệ thống chiếu sáng đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, phục vụ tốt công tác sản xuất, đi lại cho nhân dân, đảm bảo vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp trên từng địa bàn dân cư.

          Một nét nổi bật của Cuộc vận động là Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp với ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch thống nhất hướng dẫn việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư trong toàn tỉnh vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất (18/11) hàng năm. Thông qua ngày Hội, đã huy động nhiều thành phần trong cộng đồng dân cư cùng tham gia và đã có nhiều hoạt động thiết thực như làm vệ sinh môi trường, làm đường giao thông nông thôn, tặng quà cho gia đình chính sách, tặng nhà tình thương, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, tổ chức bữa cơm hội làng cho nhiều người cùng tham gia... Cũng thông qua ngày hội, là dịp để sơ kết, đánh giá kết quả 01 năm thực hiện Cuộc vận động; biểu dương các điển hình tiêu biểu, làm cho Cuộc vận động ngày càng nâng cao chất lượng, đáp ứng thiết thực nhu cầu vật chất, tinh thần của nhân dân ở khu dân cư từ nguồn lực của nhân dân. Riêng năm 2015, toàn tỉnh có 126.555 lượt người tham dự ngày hội, khen thưởng 6.814 gia đình văn hoá tiêu biểu và các cá nhân xuất sắc, có trên 477 tổ nhân dân tự quản được biểu dương…. Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư đã tạo nên nét đẹp văn hoá sinh hoạt truyền thống, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm ở thôn, khu phố.

          Cuộc vận động đã và đang tác động làm chuyển biến nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân với phương châm:  “Toàn dân, toàn diện và lâu dài”; lấy địa bàn dân cư (Thôn, khu phố) làm nơi thực hiện, lấy nhu cầu của nhân dân làm động lực, lấy sức dân chăm lo cuộc sống cho dân. Với vai trò là tổ chức “Đại đoàn kết toàn dân tộc” Mặt trận Tổ quốc đã huy động nguồn lực nhân dân thúc đẩy Cuộc vận động gắn với các nội dung thi đua, các phong trào hành động cách mạng sôi nổi làm cho Cuộc vận động ngày càng thiết thực và hiệu quả nhằm chăm lo tốt cuộc sống cho nhân dân./.


Các tin khác

TÀI LIỆU