TIN MỚI NHẤT

Ủy ban MTTQ Việt Nam Bình Thuận với kết quả 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giai đoạn 2000-2020

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai từ năm 2000, là phong trào rộng lớn, bao quát nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, với 05 nội dung là: đoàn kết giúp nhau “xóa đói, giảm nghèo”; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn; xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh. Cùng với đó là 07 phong trào cụ thể: xây dựng gia đình văn hóa; thôn, bản, khu phố văn hóa; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; “Toàn dân rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại”; học tập, lao động sáng tạo; xây dựng người tốt, việc tốt.

Trải qua 20 năm triển khai thực hiện, Phong trào với từng giai đoạn khác nhau, theo sự phân công của Ban Chỉ đạo tỉnh, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, vận động Nhân dân xây dựng “Gia đình văn hoá”; đồng thời phối hợp với ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức phát động xây dựng “Thôn, khu phố văn hoá” trong toàn tỉnh. Trên cơ sở đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với  05 tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, Sở văn hóa Thể thao Du lịch triển khai thực hiện Cuộc vận động trong hệ thống MTTQ qua 20 năm qua đã đạt được một số kết quả rất đáng quan tâm.

Phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá”, “Bản, thôn, khu phố văn hóa”

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cụ thể hoá 5 nội dung Cuộc vận động lồng ghép nội dung các phong trào, các cuộc vận động; các chương trình giảm nghèo; Dân số - kế hoạch hoá gia đình; vệ sinh môi trường; an toàn gia thông; thực hiện mục tiêu 3 giảm vào các nội dung xây dựng “Gia đình văn hóa” hàng năm, là một trong những nội dung được Ban công tác Mặt trận ở thôn, khu phố chủ trì triển khai thực hiện và xem đây là nội dung được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đưa vào tiêu chí thi đua hàng năm. Qua đó, số hộ đăng ký “Gia đình văn hóa” và được công nhận “Gia đình văn hóa” hàng năm tăng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2001: công nhận 9.278/19.765 hộ (tỷ lệ 46,9 %), đến năm 2020: đăng ký 300.229 hộ, công nhận 286.553 hộ (đạt 92,9%).

Nội dung xây dựng “Thôn, khu phố văn hóa”: là một trong 3 nội dung chính của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và được MTTQ Việt Nam phối hợp với ngành văn hóa triển khai từ giai đoạn 1996 – 2000; giai đoạn từ 2001 - 2008 tiếp tục được phát triển rộng hơn và toàn diện hơn. Đến năm 2009 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 475/QĐ-UBND ngày 19/02/2009 và kế hoạch số 17/KH-SVHTTDL ngày 15/5/2009 về triển khai thực hiện “Mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng được 01 thôn hoặc khu phố văn hoá đảm bảo các tiêu chí theo quy định”. Năm 2010, căn cứ Kế hoạch số 20/KH-SVHTTDL-XDNSVHGĐ ngày 26/4/2010 của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch về triển khai thực hiện nhiệm vụ “Mỗi xã, phường, thị trấn có thêm 01 thôn, khu phố được công nhận văn hoá đảm bảo các tiêu chí theo quy định”; tiếp tục nâng cao chất lượng các thôn – khu phố văn hoá đã được công nhận năm 2009; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh có văn bản hướng dẫn hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với ngành Văn hoá và Ban chỉ đạo phong trào cùng cấp tổ chức thực hiện nội dung này ở cơ sở. Hàng năm, Ban công tác Mặt trận phối hợp chặt chẽ với Ban vận động xây dựng “Thôn, khu phố văn hoá” tổ chức triển khai vận động Nhân dân thực hiện Cuộc vận động theo 5 tiêu chuẩn “Thôn, khu phố văn hoá”. Ngoài ra, thông qua “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư hàng năm tổ chức phát động, vận động Nhân dân tích cực tham gia thực hiện tốt Cuộc vận động, các phong trào thi đua ở địa phương như: hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, đóng góp xây dựng nhà văn hoá, thực hiện các nội dung về vệ sinh môi trường, Dân số - KHHGĐ; ATGT; ATTP, xây dựng thôn, khu phố không có tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy... Qua đó, công tác triển khai xây dựng “Thôn, khu phố văn hóa” ngày càng được nâng dần về chất lượng, cuối năm 2020 đã có 660/691 thôn, khu phố, đạt 95,5%.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” được sự phối hơp triển khai theo 05 nội dung cụ thể, góp phần cùng triển khai thực hiện tốt các nội dung phong trào chung của tỉnh.

Đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế: được MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chủ động phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo của địa phương thông qua các hoạt động giúp nhau về vốn, cây, con giống, công lao động, với tổng trị giá 5.848,91 tỷ đồng và 695.565 ngày công lao động; Quỹ “Vì người nghèo” các cấp vận động được trên 287 tỷ đồng; hỗ trợ, xây dựng mới 38.614 nhà, sửa chữa 4.831 nhà cho người nghèo, với tổng kinh phí trên 839 tỷ đồng; hỗ trợ trên 100.000 suất quà, trị giá trên 540 tỷ đồng cho người nghèo, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo của địa phương.

Đoàn kết phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tương thân tương ái:

Bằng những hoạt động thiết thực, MTTQ các cấp trong tỉnh đã triển khai tổ chức tốt các hoạt động chăm sóc, phụng dưỡng các bà mẹ VNAH còn sống, người có công và gia đình chính sách; tổ chức các hoạt động thăm, tặng 4.976 sổ tiết kiệm tình nghĩa, tặng trên 45.725 phần quà, trị giá trên 14 tỷ đồng nhân các ngày lễ, kỷ niệm, tết; các hoạt động an sinh xã hội, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, trẻ mồ côi, người tàn tật, người già neo đơn, người dân bị ảnh hưởng do thiên tai, bệnh hiểm nghèo,.. có điều kiện vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống được 30,634 tỷ đồng…

Đoàn kết phát huy dân chủ, vận động mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật...

Thông qua các Chương trình phối hợp đã triển khai tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng và nhân rộng các mô hình “Khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, “Khu dân cư bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu”, Khu dân cư đoàn kết xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng và hạnh phúc”, “Khu dân cư tự quản”, “Khu dân cư phòng, chống tội phạm”, “Khu dân cư không có mại dâm, ma túy”, “Xử lý rác thải ở khu dân cư”, “Tuyến đường xanh – sạch – đẹp”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Camera an ninh”, “Ánh sáng nông thôn”. Tính đến nay, MTTQ Việt Nam các cấp đã nhân rộng được 103 mô hình “Khu dân cư phòng, chống tội phạm”, 85 mô hình “Khu dân cư tự quản, tự phòng đảm bảo an ninh trật tự”, 250 mô hình “Camera an ninh”, 29 mô hình “Khu dân cư an toàn - đoàn kết - văn hóa”, 150 mô hình “Ánh sáng an ninh”

Đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá Dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bảo đảm vệ sinh môi trường:

Mặt trận Tổ quốc đã phối hợp với ngành văn hoá thông tin, hướng dẫn xây dựng và thực hiện quy ước của thôn, khu phố đưa các nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; về bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông, Dân số - kế hoạch hóa gia đình.... vào nội dung Quy ước thôn, khu phố. Bên cạnh đó, đã tuyên truyền, vận động Nhân dân đóng góp kinh phí cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, xây dựng Nhà văn hoá thôn, khu phố; vận động Nhân dân và các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí tổ chức các đội văn nghệ, ở xã, phường, thị trấn; tiếp tục duy trì phong trào văn nghệ, hoạt động thể dục, thể thao quần chúng ở thôn, khu phố. Đặc biệt vào dịp tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” hàng năm, các hoạt động văn nghệ quần chúng, các trò chơi dân gian, hoạt động thể thao được tổ chức phong phú, sinh động ở hầu hết các thôn, khu phố trong tỉnh. Qua đó, tạo được sự đoàn kết của các tầng lớp Nhân dân cùng với cấp ủy, chính quyền trong thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa ở cộng đồng dân cư.

Đoàn kết chăm lo sự nghiệp giáo dục chăm sóc sức khoẻ Nhân dân; thực hiện chương trình Dân số - Kế hoạch hoá gia đình:

Phong trào “Toàn dân đưa trẻ đến trường”; “Xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học”; “Khuyến học, khuyến tài”... được MTTQ Việt Nam các cấp quan tâm triển khai thực hiện như: phối hợp Ban khuyến học thôn, khu phố tuyên truyền, vận động trẻ em trong độ tuổi được huy động đến trường luôn đạt chỉ tiêu, xây dựng Quỹ “khuyến học”,....; nhất là công tác phối hợp triển khai xây dựng “Cộng đồng học tập”, xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”.... Qua đó, đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho các học sinh nghèo hiếu; hỗ trợ 9.783 xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân được quan tâm triển khai thực hiện; thông qua Chương trình Dân số - Kế hoạch hoá gia đình đã cụ thể hóa nội dung, lồng ghép đưa vào xây dựng tiêu chí chấm điểm gia đình văn hoá, thôn khu phố văn hoá, thường xuyên được vận động thực hiện với mô hình gia đình ít con, câu lạc bộ không sinh con thứ 3, thôn khu phố không có người sinh con thứ 3, vận động thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình góp phần làm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3; công tác phối hợp tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí đã tổ chức khám được cho 73.580 lượt người nghèo, vận động trên 3 tỷ đồng hỗ trợ mua BHYT cho hộ cận nghèo.

Đoàn kết xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh:

Các cấp Mặt trận thường xuyên tổ chức và phối hợp tổ chức cho các vị chức sắc trong các dân tộc, tôn giáo; đối tượng tiêu biểu và các tầng lớp Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản dự thảo luật, các văn kiện Đại hội đảng các cấp... Trong những năm qua, hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức tốt công tác hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. Phối hợp tổ chức tốt công tác bầu cử trực tiếp Trưởng thôn, khu phố. Trong đó đã tổ chức cho 126.839 cử tri đại diện hộ gia đình tham gia học tập quy trình bầu cử. củng cố mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở và khu dân cư.

Với những kết quả đạt được thời gian qua, việc triển khai thực hiện Phong trào của MTTQ đã đi vào chiều sâu, chất lượng ngày càng được nâng lên, phát huy sức mạnh tổng hợp trên các lĩnh vực kinh tế - chính trị, văn hóa xã hội, đã góp phần khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, phát huy tinh thần đoàn kết tương thân tương ái trong từng cộng đồng dân cư, từng hộ gia đình tích cực thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; nhất là sự huy động sức mạnh trong Nhân dân tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đã góp phần giữ gìn và phát triển nền văn hóa con người Việt Nam trong thời đại mới trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay.

Để thực hiện tốt phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn, khu phố văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trong thời gian tới: MTTQ các cấp phải bám sát vào sự lãnh đạo của Đảng; chủ động phối hợp các ngành, các cấp và các tổ chức thành viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong Nhân dân về nội dung Cuộc vận động gắn với nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; chủ động phát huy vai trò của MTTQ với các tổ chức thành viên, tạo sự gắn kết trong hệ thống chính trị, thống nhất cao trong việc tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động, hướng về cơ sở xây dựng khu dân cư vững mạnh, toàn diện về mọi mặt. Phát huy dân chủ và tạo sự đồng thuận trong nhân dân; quan tâm đến việc phát huy vai trò của người có uy tín trong các tổ chức tôn giáo, trong đồng bào dân tộc thiểu số và ở cộng đồng dân cư; cán bộ MTTQ các cấp phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ, năng lực công tác, tâm huyết, nhiệt tình, trăn trở với Cuộc Vận động thì mới đạt được kết quả cao./.


Các tin khác

TÀI LIỆU