Theo đánh giá của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức được trên 3.500 đợt tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thu hút được hàng ngàn lượt người dân tham gia ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bình Thuận với các chuyên mục, bản tin định kỳ hàng tuần, hàng tháng đã thực sự có tác động mạnh mẽ trong việc nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn hàng hóa, thay đổi thói quen tiêu dùng; trách nhiệm của doanh nghiệp với hàng hóa do mình sản xuất hoặc phân phối. Theo đó, từ năm 2009 đến nay, Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh đã đăng tải gần 500 tác phẩm, tin, bài với nội dung đa dạng, phong phú; đánh giá một cách khách quan, nhiều chiều từ những hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, kiểm tra, kiểm soát thị trường; nêu ra những hạn chế, bất cập…Qua đó, cũng đã góp phần giúp các cơ quan chức năng, nhà quản lý nắm bắt được những yếu tố tích cực cũng như hạn chế để xây dựng các chương trình, hoạt động phù hợp hơn; các doanh nghiệp điều chỉnh phương pháp sản xuất, kinh doanh để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh cũng đã linh hoạt, sáng tạo trong việc lồng ghép nội dung tuyên truyền của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với các Cuộc vận động, các phong trào thi đua của mỗi ngành, đơn vị. Tiêu biểu như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã triển khai lồng ghép với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và coi đây như là một trong những tiêu chí để đánh giá và công nhận Khu dân cư văn hóa; tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa các địa phương; Hội Nông dân lồng ghép với phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, tham gia xây dựng nông thôn mới… Bên cạnh đó, các Sở, ngành, địa phương cũng triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: pa nô, áp phích, khẩu hiệu; ngành Y tế triển khai chương trình “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”…
Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần làm chuyển biến trong nhận thức, thay đổi tâm lý “sính” hàng ngoại trong một bộ phận người tiêu dùng, xây dựng thói quen sử dụng hàng hóa có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc bằng những hành động thiết thực trong mỗi người, hướng đến lựa chọn hàng nội địa, nhất là những mặt hàng Việt Nam chất lượng cao cũng như những sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh…Đến nay, đa số người tiêu dùng trên địa bàn khi được hỏi đều bày tỏ sự hài lòng với chất lượng, giá cả của hàng hóa nội địa và tin tưởng lựa chọn các sản phẩm mang nhãn hiệu do Việt Nam sản xuất. Đặc biệt, người tiêu dùng đã từng bước nói không với hàng Trung Quốc kém chất lượng, không còn mặn mà với những loại hàng giá rẻ, hàng trôi nổi như trước đây…
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trong công tác tuyên truyền vẫn còn những tồn tại như: chưa được thường xuyên, liên tục, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nên sức lan tỏa của Cuôc vận động còn hạn chế; việc tuyên truyền đôi lúc, đôi nơi còn mang tính mùa vụ, chỉ tập trung vào một thời điểm rồi sau đó lại lắng xuống; phương pháp tuyên truyền còn khô cứng, nội dung đơn điệu…
Để công tác tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thật sự phát huy hiệu quả. Thời gian tới, Mặt trận các cấp tiếp tục vận động các tầng lớp nhân dân cùng chung tay hưởng ứng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Từng bước xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam không chỉ trên thị trường trong nước mà từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới.