TIN MỚI NHẤT

Bình Thuận với chiến lược phòng, chống Lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030

Bệnh Lao là một bệnh có từ xa xưa và đến mãi bây giờ vẫn còn là mối đe dọa sức khỏe và tính mạng con người; là nguyên nhân đứng hàng thứ 2 trong các bệnh truyền nhiễm gây tử vong cho con người. Theo Tổ chức Y tế thế giới cho thấy 1/3 dân số thế giới nhiễm Lao; 12 triệu người hiện đang mắc Lao; 8,6 triệu người mắc Lao mới; 1,3 triệu người tử vong do Lao. Việt Nam đứng hàng thứ 12 trong 22 nước có gánh nặng bệnh Lao cao nhất thế giới. Hàng năm Việt Nam có khoảng 130.000 người mắc Lao mới, 170.000 người mắc Lao lưu hành, khoảng 3.500 người mắc Lao đa kháng thuốc và đặc biệt có khoảng 18.000 người tử vong do bệnh Lao.

Hướng tới Việt Nam không có bệnh lao (lấy từ internet)

Người bệnh Lao là nguồn lây cho người lành (99%) và chỉ 1% bị lây từ bò mắc bệnh Lao. Nguyên nhân gây bệnh là trực khuẩn Mycobacteria Tuberculosis do ông Robert Koch người Đức tìm ra (năm 1992) nên còn gọi là Bacille de Koch (B.K). Vi khuẩn Lao có lớp vỏ sáp đặc biệt, kháng được cồn và a-xit, tồn tại rất bền vững ở môi trường bên ngoài và trong cơ thể người bệnh, có khả năng kháng thuốc cao nên việc điều trị bệnh Lao phải được thực hiện đúng quy định. Bệnh Lao chữa lành bệnh được nếu phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, đúng thời gian và có sự giám sát của cán bộ y tế chuyên ngành Lao. Chữa lành bệnh Lao ngoài việc đem lại sức khỏe, cuộc sống bình thường cho người bệnh mà còn cắt đứt nguồn lây bệnh cho gia đình và cộng đồng.

Trước tình hình thực tế trên, những năm gần đây Bình Thuận đã đề ra các chiến lược phòng chống lao và gần đây nhất là Kế hoạch số 2841/KH-UBND, ngày 20/8/2015 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện “Chiến lược phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” của tỉnh Bình Thuận, trong đó đặt ra các mục tiêu cụ thể:

* Mục tiêu đến hết năm 2015: giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 187 người/100.000 người dân; giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 18 người/100.000 người dân; Tỷ lệ mắc lao kháng đa thuốc dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện.

* Mục tiêu đến hết năm 2020: giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 131 người/100.000 người dân; giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 10 người/100.000 người dân; Khống chế số người mắc bệnh lao kháng đa thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện.

* Tầm nhìn đến năm 2030: Duy trì thành quả phòng, chống bệnh lao vào năm 2020; tiếp tục giảm số người chết do bệnh lao và giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân. Hướng tới mục tiêu để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao. Để đạt được những mục tiêu trên đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể trong tỉnh, trong đó công tác tuyên truyền về phòng chống lao cũng là một nội dung không thể thiếu; tuyên truyền phổ biến pháp luật, chính sách về phòng chống bệnh lao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao kiến thức về bệnh lao và công tác phòng chống bệnh lao để người dân, đặc biệt người dân vùng sâu, vùng xa, người di biến động hiểu, không mặc cảm kỳ thị đối với người mắc bệnh lao và chủ động tiếp cận sử dụng dịch vụ khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao do ngành Y tế cung cấp. Phối hợp vận động các tầng lớp nhân dân phòng chống bệnh lao nhằm giảm số người mắc bệnh lao, số người chết do lao và giảm sự lây nhiễm lao, khống chế bệnh lao kháng đa thuốc để hướng tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng. Công tác phòng chống Lao là công việc lâu dài và trách nhiệm của toàn xã hội; Nhà nước chủ đạo về nguồn lực đồng thời huy động các nguồn lực cho việc phòng chống Lao và điều trị bệnh nhân Lao chủ yếu tại cộng đồng chứ không phải tập trung trong bệnh viện./.

                                                                                                                                      


Các tin khác

TÀI LIỆU