TIN MỚI NHẤT

Góp ý Dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XIII, sáng ngày 15/9,  Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Hội nghị góp ý cho dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Ông Lê Đắc Lâm - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận chủ trì hội nghị.

Sau hơn mười năm thực hiện, hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước; các cơ quan dân cử đã xây dựng được chương trình giám sát cụ thể theo từng nhóm vấn đề, nội dung giám sát tập trung vào thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; hoạt động chất vấn, xem xét các báo cáo công tác được thực hiện một cách dân chủ, hiệu quả. Hình thức giám sát, phương thức tổ chức hoạt động giám sát được đổi mới theo hướng phát huy dân chủ, nâng cao tính công khai, minh bạch, có sự đóng góp ý kiến của nhân dân, sự tham gia, phối hợp giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Hoạt động giám sát đã phát huy tính chủ động, tích cực của các cơ quan thực hiện giám sát, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng chịu sự giám sát. Qua giám sát đã đưa ra nhiều kiến nghị đóng góp vào hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và của địa phương, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế chính sách và quản lý điều hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, được dư luận và nhân dân quan tâm, đánh giá cao, qua đó góp phần nâng cao vai trò, uy tín, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử.

Bên cạnh đó, thực tiễn thi hành quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cũng bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập. Vì vậy, việc xây dựng Dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân gồm 5 Chương, 73 điều là rất cần thiết nhằm mục đích: 

- Sửa đổi những quy định trong pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cho phù hợp với quan điểm của Đảng, của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội vừa được thông qua và tình hình thực tiễn đổi mới. Bảo đảm sự đồng bộ, phù hợp giữa những đổi mới về hoạt động giám sát với những đổi mới về mặt tổ chức của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan, tổ chức khác của hệ thống chính trị.  

- Tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; bảo đảm sự thống nhất, khoa học trong việc xác định đối tượng, phạm vi, thẩm quyền, trình tự giám sát của từng chủ thể giám sát; bảo đảm quyền, trách nhiệm của chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát; phát huy vai trò của giám sát trong việc góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước.

- Bảo đảm sự thống nhất trong việc quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đảm bảo yêu cầu về mặt kỹ thuật lập pháp và nội dung để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức hoạt động giám sát.

Tại cuộc họp, đại diện các sở, ban, ngành đã tập trung góp ý một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, như: Điều 8 về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; các điều 16, 27, 62 và 71 về chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn; về giám sát chuyên đề của Quốc hội (điều 17) và giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân (điều 64)...

Đại biểu đóng góp ý kiến tại cuộc họp

Ngoài ra các đại biểu cũng đề nghị bổ sung giải thích khái niệm "giám sát văn bản quy phạm pháp luật", "lấy phiếu tín nhiệm"; về xem xét văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội ...

Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, ông Lê Đắc Lâm ghi nhận các ý kiến đóng góp tích cực, sát thực tiễn của các đại biểu; đồng thời, cho biết Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ nghiên cứu, tổng hợp báo cáo và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.

 


Các tin khác

TÀI LIỆU