Theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, thời gian qua, các doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh nhận thức được trách nhiệm của mình trong thực hiện và xác định nội dung của cuộc vận động là một trong những điều kiện, cơ hội để phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, từng bước vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa, đáp ứng yêu cầu và quyền lợi của người tiêu dùng. Năm 2020, các cấp ủy đảng, chính quyền có trách nhiệm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Thông báo Kết luận số 264-TB/TW, ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị; Kết luận số 107-KL/TW, ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư; Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện cuộc vận động ở tại địa phương, đơn vị; nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đối với việc thực hiện cuộc vận động và gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Một trong những giải pháp góp phần tạo nên thành công cuộc vận động tại tỉnh trong thời gian qua đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy; sự điều hành của UBND tỉnh đến các sở, ngành trong việc tham mưu cơ chế, hỗ trợ chính sách cho các doanh nghiệp, góp phần thực hiện cuộc vận động. Cùng với đó, công tác tuyên truyền của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã khuyến khích nhân dân tham gia hưởng ứng. Chị Nguyễn Thị Lan, một người tiêu dùng ở huyện Hàm Thuận Nam cho biết: “Thời gian qua, gia đình tôi luôn ưu tiên sử dụng các mặt hàng trong nước sản xuất. Đặc biệt, các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… thì hàng sản xuất trong tỉnh là lựa chọn hàng đầu của gia đình tôi, bởi các sản phẩm này yên tâm về nguồn gốc xuất xứ, giá cả phù hợp và quan trọng nhất là chất lượng tốt”.
Trong năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam chủ trì phát động. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ủng hộ mua sắm và sử dụng hàng Việt, có xuất xứ hàng hóa rõ ràng; đồng thời phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn các hành vi buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… ở cơ sở, cộng đồng khu dân cư. Kết quả đã tổ chức tuyên truyền hơn ba nghìn cuộc, thu hút hàng nghìn lượt người dự; tham gia viết hơn 35 tin, bài về tuyên truyền về cuộc vận động trên trang Website của Mặt trận tỉnh; phối hợp tổ chức 5 đợt đưa hàng Việt về nông thôn, các doanh nghiệp đã đưa đến các huyện những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống như dầu ăn, bột giặt, bếp ga, quần áo, nước mắm... có nguồn gốc sản xuất trong nước, chất lượng tốt, giá cả giảm từ 10% đến 30% so với cùng chủng loại trên thị trường, doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp đạt gần 2 tỷ đồng. Cùng với đó là các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Sở Công Thương đã tổ chức và hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh trưng bày, giới thiệu sản phẩm dịch vụ tại các hội chợ; khuyến khích các doanh nghiệp, nhà phân phối ưu tiên bán hàng hóa Việt Nam sản xuất; đưa hàng hóa Việt Nam về thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua hệ thống bán lẻ của các doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng. Đồng thời phối hợp các sở, ban ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; tăng cường công tác quản lý thị trường, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khuyến mãi; tổ chức xây dựng 02 điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại huyện Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong; cấp phép tổ chức 15 hội chợ triển lãm tại các địa bàn thuộc tỉnh; tiếp nhận trên 9.932 hồ sơ thủ tục hành chính về khuyến mãi của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tổng giá trị giải thưởng trung bình khoảng 1,5 tỷ đồng/năm, các hoạt động khuyến mại đã được doanh nghiệp ngày càng quan tâm, số lượng chương trình tổ chức ngày càng nhiều, diễn ra liên tục nhằm gây ấn tượng, sự chú ý của người tiêu dùng, tạo không khí sôi động để thu hút khách hàng. Ngoài ra, sở đã tập trung triển khai thực hiện tốt công tác bình ổn giá cả thị trường, giám sát chặt chẽ các đơn vị thực hiện kế hoạch bán hàng bình ổn giá đối với một số mặt hàng thiết yếu. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận sang Nhật Bản; hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dung, công bố phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm, hàng hóa theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; phối hợp tuyển chọn 3 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học và công nghệ trên lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và kỹ thuật tham mưu UBND tỉnh đề xuất tuyển chọn, công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2020; tổ chức thẩm định và đề cử 05 đặc sản của tỉnh vào Top đặc sản - món ngon Việt Nam 2020...
Song song đó, Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh tiến hành kiểm tra tại huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Phan Thiết, Hàm Tân về tình hình triển khai thực hiện cuộc vận động; Sở Công thương tổ chức kiểm tra 22 tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành trên các lĩnh vực điện, chiết nạp và kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, vật liệu nổ công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, an toàn thực phẩm, đã phát hiện xử phạt 04 tổ chức, với số tiền 67,5 triệu đồng; lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, kiểm soát 1.545 vụ, phát hiện và xử lý 354 vụ vi phạm như buôn bán hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, sử dụng hóa đơn đỏ không đúng với quy định trong kinh doanh.. với số tiền xử phạt trên 2,8 tỷ đồng; Sở nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiến hành thanh tra 367 cơ sở về vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, xử phạt hành chính 46 cơ sở vi phạm.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong sử dụng hàng Việt làm gương cho quần chúng nhân dân noi theo. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn; xây dựng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm đặc thù của địa phương để người tiêu dùng lựa chọn; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.