TIN HOẠT ĐỘNG

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội

Sau 8 năm triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, nhìn chung công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Hàng năm, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến đề xuất nội dung giám sát của các vị ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam và ý kiến đề xuất của các Hội đồng tư vấn; các ý kiến kiến nghị của cử tri và nắm tình hình dư luận xã hội cũng như những vấn đề bức xúc, nổi cộm của địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp lựa chọn thống nhất nội dung giám sát, phản biện xã hội trọng tâm, trọng điểm sát với những nội dung nhân dân quan tâm, bức xúc để tham mưu, đề xuất với cấp ủy cùng cấp và được Thường trực cấp ủy phê duyệt nội dung giám sát, phản biện xã hội hàng năm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Qua đó, cấp ủy, chính quyền đã quan tâm xây dựng và ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp, tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện việc giám sát và phản biện xã hội đạt chương trình, kế hoạch đề ra. Sau giám sát những ý kiến kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm tiếp nhận và chỉ đạo các ngành chức năng liên quan xem xét giải quyết kịp thời. Đồng thời, sau giám sát Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp luôn theo dõi việc khắc phục những kiến nghị của Đoàn giám sát đối với các đơn vị được giám sát và khi cần thiết sẽ đề xuất tái giám sát. Chất lượng giám sát và phản biện xã hội ngày càng được nâng cao.

Công tác củng cố, kiện toàn tổ chức Mặt trận từ huyện đến cơ sở luôn được quan tâm kịp thời, nhằm đảm bảo đủ số lượng cán bộ theo quy định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Hàng năm, cán bộ Mặt trận huyện và cơ sở đều được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng giám sát, phản biện xã hội theo phân cấp. Việc thành lập các Hội đồng tư vấn, xây dựng lực lượng cộng tác viên, chuyên gia giúp nghiên cứu chuyên sâu các nội dung giám sát, phản biện theo quy định cũng được quan tâm. Đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thành lập 2 Hội đồng tư vấn: Dân chủ - pháp luật và Dân tộc - Tôn giáo; 8/10 MTTQ các huyện, thị xã, thành phố đều thành lập Ban Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Dân tộc - Tôn giáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam. Việc góp ý thường xuyên, định kỳ, đột xuất được quan tâm hơn, gắn giám sát và phản biện xã hội với nhiệm vụ lắng nghe ý kiến nhân dân, vận động nhân dân thực hiện chính sách pháp luật, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc, khó khăn của nhân dân, từng bước khắc phục những thiếu sót trong quản lý Nhà nước, trong quá trình thực hiện các chính sách của Nhà nước tại địa phương; góp phần hoàn thiện các chủ trương, các Nghị quyết sát với thực tiễn cuộc sống, hợp lòng dân; đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng hoàn thiện về mọi mặt, thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao.

Trong 08 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã chủ trì phối hợp giám sát được 1.282 cuộc (trong đó: cấp tỉnh là 19 cuộc; cấp huyện là 117 cuộc; cấp xã là 1.146 cuộc) và thực hiện 49 hội nghị phản biện (cấp tỉnh 3, cấp huyện 24, cấp xã 22). Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc ở địa phương như công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; việc thực hiện dân chủ đối với các công trình, dự án... Thời gian gần đây, dưới sự hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, MTTQ Việt Nam các cấp đã tăng cường giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; chủ động giám sát và phản biện xã hội đối với các tổ chức Đảng và đảng viên ở những lĩnh vực nhạy cảm có nguy cơ tham nhũng cao, hạn chế vi phạm pháp luật trong cán bộ, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, bảo vệ thể chế chính trị và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay... Thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân ngày càng được thể hiện rõ nét, góp phần quan trọng vào đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, thúc đẩy thực hiện dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát, phản biện xã hội còn một số hạn chế như việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết, Quy chế, quy định của Đảng chủ yếu là lồng ghép; công tác phối hợp của Mặt trận và các ngành liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, liên tục; nhận thức về công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng và chính quyền ở một số địa phương còn chưa đồng bộ; cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội có nơi còn mỏng, phân công lồng ghép, kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, chưa ngang tầm nhiệm vụ; Hoạt động phối hợp tiếp xúc cử tri tuy có quan tâm, đổi mới nhưng số lượng cử tri một số nơi tham gia còn ít; hoạt động theo dõi việc phản hồi, tiếp thu, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri có lúc có nơi còn hạn chế...

Để thực hiện tốt hơn công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh xác định cần triển khai đồng bộ một số giải pháp như: Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt về Quy chế giám sát và phản biện xã hội nhằm thống nhất về nhận thức đối với các cấp, các ngành trong tỉnh, có như vậy công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc mới được phát huy. Thực hiện đúng quy trình giám sát theo hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng gắn với từng điều kiện cụ thể của địa phương. Hàng năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh cần chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc mà xã hội đang quan tâm ở địa phương, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và Nhân dân, từ đó lên kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Phát huy tốt vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Giám sát đầu tư của cộng đồng và giám sát của nhân dân, đây là kênh quan trọng của giám sát xã hội, Mặt trận Tổ quốc các cấp, trực tiếp là cấp xã nâng cao vai trò trách nhiệm trong việc chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động đối với Ban Thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng để thực hiện theo đúng Nghị định 159 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Quyết định số 80 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư liên tịch số 04 về thực hiện Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồngBên cạnh đó, cần bố trí, lựa chọn những cán bộ có chuyên môn sâu, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề; có tư duy độc lập và năng lực tổng hợp, phản biện; có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm đối với công việc; thường xuyên bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Kịp thời kiến nghị về những phát hiện trong quá trình giám sát, tái giám sát đối với những việc làm chưa đúng với chính sách, pháp luật của các tổ chức, cá nhân và những chủ trương, chính sách chưa phù hợp để khắc phục sửa chữa và bổ sung hoàn chỉnh./.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT

TÀI LIỆU