LỊCH SỬ MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT

Giữa lúc cao trào cách mạng đầu tiên do Đảng lãnh đạo mà đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ tĩnh đang diễn ra sôi nổi và rầm rộ trong cả nước, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông dương ra chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế Đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt nam.

Từ đó tới nay, ở mỗi thời kỳ khác nhau có những hình thức và tên gọi tổ chức cụ thể khác nhau phù hợp với nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng nhưng Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt nam nơi tập hợp các giai tầng trong xã hội vì những mục tiêu lớn của dân tộc luôn tồn tại và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam - người chủ xướng việc hình thành Mặt trận Dân tộc thống nhất trong thời hiện đại - vừa là thành viên tích cực của Mặt trận vừa bằng sự sáng tạo, đúng dắn trong đường lối, chính sách, sự gương mẫu phấn đấu vì lợi ích chung của dân tộc đã được các thành viên của Mặt trận thừa nhận vai trò lãnh đạo.

Hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hình thức tổ chức của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt nam với mục tiêu tập hợp và phát huy sức mạnh của khối Đại đoàn kết toàn dân phấn đấu cho một nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh.

MẶT TRẬN THỐNG NHẤT PHẢN ĐỂ ĐÔNG DƯƠNG HỘI PHẢN ĐẾ ĐỒNG MINH

(18/11/1930)

Ngay từ Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã vạch ra sự cần thiết phải xây dựng một Mặt trận Dân tộc thống nhất nhằm đoàn kết các giai tầng trong xã hội, các tổ chức chính trị, các cá nhân phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh mọi nhân tố của dân tộc phấn đấu cho sự nghiệp chung giải phóng dân tộc.

Qua phong trào cách mạng phản đế, phản phong sôi nổi trong cả nước mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, các tổ chức chính trị với các hệ tư tưởng khác nhau nhưng gặp nhau ở mục tiêu giải phóng dân tộc lần lượt xuất hiện với sự tham gia của nhiều tầng lớp, nhiều dân tộc. Quá trình này cũng khẳng định năng lực cách mạng của các giai tầng trong xã hội, khẳng định vị trí đặc biệt và hệ tư tưởng của giai cấp công nhân với việc định hướng cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Quá trình này cũng khẳng định khối liên minh công nông là cơ sở của Mặt trận Dân tộc thống nhất do Đảng chủ xướng. Trong Án nghị quyết về vấn đề phản đế tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 10 năm 1930 đã nêu rõ sự cấp thiết phải thành lập Mặt trận Thống nhất phản đế. Ngày 18/11/1930 Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông dương đã ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng.

PHẢN ĐẾ LIÊN MINH

(3/1935)

Tháng 3 năm 1935, Đại hội Đảng lần thứ nhất đã thông qua nghị quyết về công tác Phản đế liên minh, quyết định thành lập và thông qua điều lệ của tổ chức nhằm tập hợp tất cả các lực lượng phản đế toàn Đông dương. Điều lệ của Phản đế liên minh rộng và linh hoạt hơn Điều lệ Hội phản đế đồng minh. Bất kỳ người hoặc đoàn thể nào thừa nhận nghị quyết, Điều lệ và thường xuyên nộp hội phí thì được thừa nhận là hội viên.

MẶT TRẬN THỐNG NHẤT NHÂN DÂN PHẢN ĐẾ

(10/1936)

Chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân Phản đế được phổ biến qua tài liệu chung quanh vấn đề chính sách mới ngày 30/10/1936 khắc phục những sai lầm trong nhận thức và hành động trong quá trình thực hiện liên minh thời kỳ trước. Việc tập hợp lực lượng trong Mặt trận được công khai qua bức thư ngỏ của Đảng Cộng sản Đông Dương gửi cho Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp bày tỏ sự đồng minh với nhân dân Pháp, kêu gọi ban hành một số quyền tự do dân chủ cơ bản cho nhân dân Đông Dương và hô hào "tất cả các đảng phái chính trị, tất cả các tầng lớp nhân dân Đông Dương tham gia Mặt trận nhân dân Đông Dương".

MẶT TRẬN DÂN CHỦ ĐÔNG DƯƠNG

(6/1938)

Sau khi Mặt trận nhân dân Pháp lên cầm quyền với bản chương trình hành động trong đó có nêu việc thành lập một Uỷ ban của nghị viện điều tra tình hình chính trị và kinh tế ở các thuộc địa, cùng với nhiều nước thuộc địa khác các nhà yêu nước Việt Nam kêu gọi "tiến tới một cuộc Đông dương Đại hội" sáng kiến đó được đảng Cộng sản Đông Dương ủng hộ bằng bức thư ngỏ tháng 8/1936 nêu 12 nguyện vọng cụ thể làm cơ sở cho Đông Dương Đại hội, lời kêu gọi đã dấy lên một phong trào sôi nổi trong nhân dân cả nước.

Tháng 9/1937 một loạt các tổ chức như Thanh niên Dân chủ Đông Dương, Hội Cứu tế bình dân, Công hội, Nông hội ra đời cùng với việc hoạt động công khai và nửa công khai của các tổ chức quần chúng nhuư hội ái hữu, tương tế, các hội hoạt động âm nhạc... từng bước hình thành một Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Tháng 6/1938 Đảng Cộng sản Đông Dương gửi thư công khai cho các đảng phái đề nghị gác các ý kiến bất đồng để "bước tới thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương" chính trong thời kỳ này từ những phong trào Mặt trận đã dần hình thành Mặt trận với tính chất của một tổ chức.

MẶT TRẬN THỐNG NHẤT DÂN TỘC PHẢN ĐẾ ĐÔNG DƯƠNG

(11/1939)

Tháng 9/1939,chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, Mặt trận Dân chủ Đông dương bị thực dân Pháp thẳng tay đàn áp. Cùng với sự đầu hàng thoả hiệp của thực dân Pháp với phát xít Nhật, vấn đề sống còn của các dân tộc Đông Dương đã đặt ra. Tháng 11/1939 Đảng Cộng sản Đông Dương đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo, chuyển cuộc vận động Mặt trận Dân chủ thành Mặt trận Dân tộc thống nhất chống chiến tranh đế quốc với tên gọi chính thức: Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông dương nhằm liên hiệp tất cả các dân tộc Đông Dương, các giai tầng, đảng phái, cá nhân có tinh thần phản đế muốn giải phóng dân tộc chống đế quốc, bè lũ tay sai của chúng và vua chúa bản xứ phản bội quyền lợi dân tộc. Các tổ chức phản đế phát triển nhanh chóng dưới hình thức bí mật và công khai.

VIỆT NAM ĐỘC LẬP ĐỒNG MINH HỘI GỌI TẮT LÀ VIỆT MINH

(19/5/1941)

Năm 1940, quân Nhật kéo vào Đông dương, thực dân Pháp đầu hàng và làm tay sai cho phát xít Nhật. Tại Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8, theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc, Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Pháp Nhật với tên gọi Việt nam Độc lập đồng minh gọi tắt là Việt minh đã ra đời ngày 19.5.1941 lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Việt minh và làm cờ tổ quốc "khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà".

Mặt trận Việt minh thu hút được mọi giới đồng bào yêu nước, từ công nhân, nông dân, trí thức, tiểu tư sản đến tư sản dân tộc, phú nông và một số địa chủ nhỏ có tinh thần yêu nước, đưa tới cao trào đánh Pháp, đuổi Nhật của toàn dân ta trong những năm 1941-1945, Mặt trận Việt minh là một trong những nhân tố cơ bản bảo đảm cho cách mạng thành công.

Từ sáng kiến triệu tập toàn quốc đại biểu đại hội, Đại hội Quốc dân do Tổng bộ Việt minh triệu tập họp ở Tân trào trong 2 ngày 16-17/8/1945 đã thông qua lệnh tổng khởi nghĩa, quyết định quốc kỳ, quốc ca cử ra Uỷ ban giải phóng dân tộc tức là Chính phủ lâm thời do Hồ Chí minh làm Chủ tịch và ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc tuyên ngôn độc lập, đại biểu tổng bộ Việt minh Nguyễn Lương Bằng đọc lời hiệu triệu đồng bào cả nước.

HỘI LIÊN HIỆP QUỐC DÂN VIỆT NAM GỌI TẮT LÀ HỘI LIÊN VIỆT

(29/5/1946)

Năm 1946, giữa lúc nước Việt nam dân chủ cộng hoà vừa ra đời phải đương đầu với nhiều khó khăn lớn, một Ban vận động thành lập Hội liên hiệp quốc dân Việt nam gồm 27 người với đại biểu Việt minh là Hồ Chí Minh, được thành lập nhằm mở rộng hơn nữa khối đoàn kết dân tộc.

Việt minh và Liên Việt đã cùng nhau làm chỗ dựa vững chắc cho chính quyền Cách mạng non trẻ đối phó có hiệu lực với thù trong giặc ngoài.

MẶT TRẬN LIÊN VIỆT

(3/3/1951)

Năm 1951, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã đi vào giai đoạn quyết liệt, thực hiện khẩu hiệu " Tất cả cho tiền tuyến ", yêu cầu tập hợp các hình thức tổ chức Mặt trận để đoàn kết động viên toàn dân ta tập trung sức người sức của đẩy mạnh kháng chiến trở nên cấp bách. Với các chủ trương đường lối đúng đắn Đảng Lao động Việt Nam và sự ủng hộ tích cực của các Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ, các tổ chức chính trị, các nhân sĩ trí thức trong Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt, hai tổ chức Mặt trận được hợp nhất thành Mặt trận Liên Việt.

Mặt trận Liên Việt đã góp phần động viên công sức của toàn quân, toàn dân lập nên chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ, đưa đến việc ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt nam.

MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

(10/9/1955)

Đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt nam, hất cẳng thực dân Pháp và phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ âm mưu chiếm đóng miền Nam chia cắt lâu dài nước ta. Cách mạng Việt nam lúc này có hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã được hoàn toàn giải phóng và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.

Trong bối cảnh đó, ngày 10.9.1955, Mặt trận Tổ quốc Việt nam ra đời với mục đích đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, đấu tranh đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai, xây dựng một nước Việt nam hoà bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Mặt trận Tổ quốc Việt nam đã phát huy tác dụng to lớn của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Mặt trận Tổ quốc Việt nam đã động viên đồng bào và chiến sĩ nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng đánh thắngchiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và hết lòng hết sức đáp ứng các yêu cầu của cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt nam đã tích cực tham gia cải tạo Xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp nhỏ và giúp đỡ các nhà tư sản dân tộc thông suốt chính sách làm cho cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh tiến hành thuận lợi, đạt kết quả. Mặt trận đã tích cực góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, ra sức động viên nhân dân tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, xây dựng chính quyền cách mạng, phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế, thực hiện nếp sống mới, xây dựng con người mới.

MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VIỆT NAM

(20/12/1960)

Trong cao trào đồng khởi của đồng bào miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời (20-12/1960) nhằm đoàn kết toàn dân đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh đổ nguỵ quyền tay sai của chúng, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc. Với đường lối đúng đắn ấy, Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã tập hợp dưới ngọn cờ đại nghĩa của mình các tầng lớp nhân dân, các tổ chức và mọi người Việt nam yêu nước, để cùng nhau chống Mỹ cứu nước.

Mặt trận dân tộc giải phóng không ngừng củng cố và mở rộng khối đoàn kết dân tộc, tổ chức và động viên đồng bào và chiến sĩ miền Nam đẩy mạnh đấu tranh trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao. ảnh hưởng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng không ngừng được mở rộng trong các tầng lớp nhân dân miền Nam và uy tín của mặt trận đã được nâng cao trên trường quốc tế

LIÊN MINH CÁC LỰC LƯỢNG DÂN TỘC DÂN CHỦ VÀ HÒA BÌNH VIỆT NAM

Trong cao trào tiến công và nổi dậy đầu xuân Mậu Thân (1968) Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt nam ra đời (20/4/1968). Kết tụ từ các phong trào đấu tranh yêu nước của các giới sinh viên, học sinh, trí thức, đồng bào tôn giáo, công thương gia, nhân sĩ dân chủ tại các thành thị miền Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt nam bằng những công tác trong nước và ngoài nước đã góp sức động viên xúc tiến các phong trào ấy, tăng thêm sức mạnh cho khối đoàn kết toàn dân, chống Mỹ cứu nước.

Phấn đấu cho một mục tiêu chung là giải phóng miền Nam, bảo vệ và xây dựng miền Bắc thực hiện thống nhất nước nhà, Mặt trận Tổ quốc Việt nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt nam đã luôn luôn hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ nhau tạo nên một sức mạnh không gì lay chuyển nổi của khối đại đoàn kết dân tộc, và đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn dân đến thắng lợi hoàn toàn, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất nước nhà.

MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

Sau khi cả nước đã được độc lập, sự thống nhất và toàn vẹn của một quốc gia đòi hỏi hợp nhất 3 tổ chức mặt trận. Nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp từ 31/1 đến 4/2/1977 tại thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất ba tổ chức Mặt trận ở hai miền Nam Bắc nước ta thành một tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất duy nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống nhất ý chí của tất cả các tổ chức của các giai tầng trong xã hội, các cá nhân tiêu biểu của các dân tộc, tôn giáo, tầng lớp, các vị lãnh đạo tiêu biểu cho ý chí đoàn kết của dân tộc, luôn phấn đấu xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc vững mạnh thực hiện lời dạy của Hồ Chí Minh vị lãnh tụ của toàn dân tộc: "Mục đích phấn đấu của Mặt trận Dân tộc thống nhất là xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".

(Nguồn từ Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam)


TÀI LIỆU