TIN MỚI NHẤT

Mặt trận các cấp chung tay chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

Thời gian qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước, Mặt trận và toàn xã hội quan tâm, được coi là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu để bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của đất nước.

Mặt trận huyện Tánh Linh phối hợp tặng quà cho trẻ em gia đình nghèo.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và Chỉ thị số 32-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, Mặt trận các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên, các ngành chức năng cùng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lợp nhân dân về Công ước quyền trẻ em, Luật Trẻ em và các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là những quy định về bảo vệ trẻ em và quy trình, thủ tục hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị xâm hại; phòng tránh lao động trẻ em; phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em, tai nạn đuối nước ở trẻ em...đã tổ chức được 2.980 cuộc tuyên truyền, quán triệt trực tiếp cho hơn 250 ngàn lượt người; phối hợp xây dựng 12 phóng sự tuyên truyền về gia đình và trẻ em; đăng tải hơn 40 tin bài tuyên truyền; nhiều mô hình quản lý giáo dục, giúp đỡ thanh niên sau cai nghiện, thanh thiếu niên chậm tiến. 

Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ động phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động vui chơi giải trí; các hoạt động thăm, tặng quà cho trẻ em mồ côi, khuyết tật, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với nội dung triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, hoạt động Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Cứu trợ”, công tác khuyến học và các hoạt động an sinh xã hội nhân “Tháng hành động vì trẻ em”, Ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6, Tết trung thu, Tết Nguyên đán,… Từ năm 2012 đến nay, đã trao tặng 141.059 suất quà, tổng trị giá trên 13 tỷ đồng; hỗ trợ học sinh nghèo học tập với tổng trị giá 1,936 đồng; tặng 62.396 suất học bổng cho học sinh nghèo học giỏi, trị giá trên 9 tỷ đồng; tặng 362 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo, trị giá trên 200 triệu đồng; tặng cặp, sách, đồ dùng học tập.. với tổng trị giá trên 459 triệu đồng cho cho trẻ em nghèo hiếu học; hỗ trợ 36 trẻ em bị đuối nước, bị xâm hại tình dục với tổng trị giá 36 triệu đồng. Công tác hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 cũng được quan tâm, Mặt trận cùng với các tổ chức thành viên vận động các doanh nghiệp, các mạnh thường quân thăm và trao tặng 2.513 phần quà, tổng trị giá trên 500 triệu đồng. Ngoài ra, thông qua công tác giám sát, phản biện xã hội Mặt trận các cấp đã chủ động tham gia góp ý xây dựng chính sách, pháp luật, tham gia quản lý nhà nước và giám sát việc thực hiện pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em như góp ý chương trình, kế hoạch, đề án... hỗ trợ trẻ em các cấp; giám sát việc quản lý các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động là trẻ vị thành viên; việc thực hiện các chính sách cho trẻ em, nhất là trẻ em các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng bảo trợ xã hội. Đã tham gia góp ý trên 90 lượt ý kiến và đã được các cấp, các ngành quan tâm tiếp thu; giám sát được trên 22 lượt. Qua giám sát các hoạt động nêu trên, nhìn chung các cấp, các ngành, đơn vị đã thực hiện tốt.

Tuy nhiên, thực tế phải nhìn nhận rằng, nhận thức về vai trò, vị trí của trẻ em cũng như vai trò trách nhiệm của người lớn, của xã hội đối với việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở một số nơi chưa cao. Các điểm vui chơi, giải trí tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho trẻ em nhiều nơi chưa được chú trọng đầu tư phù hợp. Nguồn lực trong xã hội dành cho sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu... Thời gian tới, Mặt trận các cấp sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có kết quả các nội dung của Chỉ thị 20-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và Chỉ thị số 32-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để trẻ em được chăm sóc, học tập, vui chơi giải trí, được đảm bảo các quyền cơ bản và được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh. Đặc biệt là luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để các em được sống, được hòa nhập và phát triển. Đẩy mạnh và đổi mới công tác truyền thông, giáo dục về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm vận động, tuyên truyền cho cộng đồng, gia đình, cá nhân và trẻ em tham gia rộng rãi, tích cực thực hiện các quyền của trẻ em. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, vui chơi, thể dục thể thao và các hoạt động chăm sóc trẻ em. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp trong việc tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện pháp luật, các chế độ chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em và thực hiện quyền trẻ em…


Các tin khác

TÀI LIỆU