Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các chuyên gia, đại diện Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Dân tộc - Tôn giáo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bố Thị Xuân linh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Nằm trong dòng chảy lịch sử - văn hóa Việt Nam, cộng đồng dân tộc ở Bình Thuận cũng được hình thành từ nguồn gốc nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, văn hóa cộng đồng làng xã mang tính ổn định và khép kín đã tạo ra mỗi con người trong một cộng đồng có mối quan hệ họ hàng, máu thịt, gắn bó chặt chẽ với nhau; những biểu hiện của tinh thần tập thể làm gì cũng có nhau, tính dân chủ làng xã, tình yêu quê hương xóm làng và yêu đất nước, tính trọng thể diện, lòng biết ơn... góp phần hình thành nên các chuẩn mực giá trị văn hóa trong con người và gia đình ở Bình Thuận. Những năm qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, phát triển văn hóa, gia đình và con người Bình Thuận bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Nhận thức trong xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa, con người và gìn giữ, phát triển hệ giá trị văn hóa gia đình đối với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong xu thế bùng nổ của công nghệ số đã làm đã ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức của con người. Do đó, để xây dựng chuẩn mực văn hóa, gia đình và con người Bình Thuận gắn với các hệ giá trị văn hóa, gia đình và con người Việt Nam trong thời kỳ mới là nhiệm vụ quan trọng vừa mang tính cấp thiết trước mắt vừa mang tính chiến lược lâu dài.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng nhấn mạnh: Đề án được ban hành sẽ tác động tích cực, có ý nghĩa to lớn, vừa mang cấp thiết, vừa mang tính chiến lược lâu dài, nhằm khơi dậy ý chí phát triển, định hướng để từng gia đình và con người Bình Thuận phát triển lành mạnh, phát huy được tối đa tiềm năng, thu hút được ngoại lực và tinh hoa văn hoá, văn minh nhân loại, xây dựng và hiện thực hóa những giá trị tốt đẹp. Có Đề án sẽ giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước của địa phương, nhất là các cơ quan chuyên môn triển khai đúng hướng trên cơ sở đã hoạch định trước một cách khoa học và thực tiễn..
Tại hội nghị, có 11 đại biểu tham gia phản biện các ý kiến tập trung đánh giá, nhận xét sự cần thiết, tính cấp thiết của nội dung Đề án; nêu chính kiến, kiến nghị, sự phù hợp của Đề án; phân tích nội dung Đề án; đưa ra những định hướng, quan điểm, mục tiêu phát triển mới phù hợp với bối cảnh phát triển đất nước, chủ trương, chính sách của ngành và đáp ứng nhu cầu thực tiễn là phù hợp và cần thiết. ... Đồng thời, phân tích những khó khăn, thuận lợi trong việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, các chuẩn mực giá trị văn hóa con người Việt Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng và hệ giá trị gia đình truyền thống Việt Nam đang bị tác động, ảnh hưởng, đứng trước những chuyển biến và thay đổi lớn...
Kết thúc hội nghị, đồng chí Bố Thị Xuân Linh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh: Việc xây dựng Đề án "Chuẩn mực văn hóa, gia đình, con người Bình Thuận gắn với hệ giá trị văn hóa, gia đình và con người Việt Nam thời kỳ mới" là rất cần thiết; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đề án được ban hành sẽ phải đảm bảo tính khả thi cao, đi vào đời sống của người dân. Bên cạnh đó, Đề án cũng phải chú ý đến đối tượng học sinh, sinh viên vì đây là đối tượng đông đảo và là đối tượng được giảng dạy tại các cơ sở giáo dục. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trân trọng cảm ơn và sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến phản biện của các đại biểu đối với dự thảo “Đề án chuẩn mực văn hóa, gia đình, con người Bình Thuận gắn với các hệ giá trị văn hóa, gia đình và con người Việt Nam thời kỳ mới”. Đồng thời, đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - đơn vị xây dựng Dự thảo Đề án nghiên cứu, tổng hợp hoàn chỉnh dự thảo./.