1. Áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới
Cụ thể, từ ngày 01/01/2016, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới như sau:
- Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng.
- Vùng II: 3.100.000 đồng/tháng.
- Vùng III: 2.700.000 đồng/tháng.
- Vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng.
Nội dung này được đề cập tại Nghị định 122/2015/NĐ-CP.
>>> Xem toàn văn Tổng hợp điểm mới Nghị định 122/2015/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng.
>>> Xem Tổng hợp quy định mới nhất về tiền lương 2016.
2. Bỏ quy định phải trả lương ngay trong tháng làm việc
Đó là một trong những nội dung nổi bật tại Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH – Thông tư cuối cùng về tiền lương của năm 2015.
Theo đó, Thông tư này sửa đổi một số quy định về tiền lương như sau:
- Bãi bỏ quy định về việc phải trả lương ngay trong tháng làm việc cho người lao động, chỉ còn quy định về việc trả lương 01 tháng/lần hoặc nửa tháng/lần và được trả vào thời điểm trả lương.
- Sửa đổi quy định về tiền lương thực trả của ngày làm việc bình thường để tính tiền làm thêm giờ; tiền lương thực trả sẽ không bao gồm tiền lương làm thêm giờ, trả thêm khi làm vào ban đêm, tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, hỗ trợ…
- Tiền lương trả cho một ngày làm việc được xác định bằng tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng, tuy nhiên không được vượt quá 26 ngày.
3. Tiền lương tháng đóng BHXH sẽ bao gồm cả khoản phụ cấp
Theo Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 09/9/2015, tiền lương đóng BHXH từ 01/01/2016 sẽ bao gồm cả khoản phụ cấp và từ 01/01/2018 sẽ bao gồm cả các khoản bổ sung khác.
4. Hướng dẫn chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ
Lao động nữ mang thai hộ khi sinh con mà có đủ điều kiện đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con, đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong vòng tháng trước khi sinh con được hưởng chế độ sau:
- Trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ mang thai hộ sinh con.
- Nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến ngày giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian 06 tháng, trường hợp sinh từ con đôi trở lên, cứ mỗi con thì thêm 01 tháng.
Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ hoặc thời điểm đứa trẻ chết mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì lao động nữ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ là thời điểm ghi trong văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.
- Sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định, trong 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa hồi phục thì lao động nữ mang thai hộ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, trừ trường hợp lao động nữ mang thai hộ chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con.
Đồng thời, lao động nữ mang thai hộ sinh con thì người chồng đang đóng BHXH bắt buộc cũng được hưởng chế độ này.
Căn cứ Nghị định 115/2015/NĐ-CP.
>>> Xem chi tiết những điều cần biết về bảo hiểm xã hội 2016
5. 5 điểm mới về thuế tiêu thụ đặc biệt
Từ ngày 01/01/2016, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt có 5 điểm mới sau:
- Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
- Bổ sung quy định về khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt.
- Bổ sung quy định về nơi kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của các doanh nghiệp sản xuất xăng sinh học.
- Bổ sung hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt.
- Sửa đổi, bổ sung quy định hướng dẫn về trường hợp không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Nội dung này được quy định tại Thông tư 195/2015/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 108/2015/NĐ-CP về Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
>>> Xem chi tiết Tổng hợp điểm mới Thông tư 195/2015/TT-BTC về thuế tiêu thụ đặc biệt.
6. Các trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến BHYT
Theo Thông tư 40/2015/TT-BYT, các trường hợp được xác định là đúng tuyến BHYT là:
- Thẻ BHYT đăng ký KBCB ban đầu tại cơ sở tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền KBCB tại các cơ sở khác tương đương trong cùng địa bàn tỉnh.
- Thẻ BHYT đăng ký KBCB ban đầu tại cơ sở tuyến xã chuyển tuyến đến bệnh viện huyện.
- Thẻ BHYT được bệnh viện tuyến huyện chuyển tuyến đến tuyến tỉnh tại các cơ sở cùng hạng hoặc hạng thấp hơn.
- Trường hợp cấp cứu.
- Trường hợp người bệnh được chuyển tuyến mà phát hiện hoặc phát sinh bệnh khác ngoài bệnh đã ghi trên giấy chuyển tuyến, thì cơ sở KBCB nơi tiếp nhận thực hiện việc KBCB trong phạm vi chuyên môn.
- Người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được KBCB tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa phương đó tương đương với các cơ sở ban đầu ghi trên thẻ BHYT.
Ngoài ra, Thông tư 40/2015/TT-BYT cũng quy định danh mục 62 loại bệnh chỉ cần xin giấy chuyển tuyến 1 lần/năm.
>>> Xem chi tiết danh mục 62 loại bệnh chỉ cần xin giấy chuyển tuyến 1 lần/năm.
7. Biểu thuế xuất nhập khẩu 2016
Từ ngày 01/01/2016, chính thức áp dụng Biểu thuế xuất nhập khẩu 2016 theoThông tư 182/2015/TT-BTC, theo đó, Thông tư này bãi bỏ hàng loạt các Thông tư quy định về biểu thuế xuất nhập khẩu trước đây:
- Thông tư 164/2013/TT-BTC về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế.
- Thông tư 17/2014/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng sắn thuộc nhóm 07.14 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư 164/2013/TT-BTC : giảm thuế nhập khẩu mặt hàng sắn thuộc nhóm 07.14 từ 10% xuống 3%.
- Thông tư 30/2014/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế xuất khẩu và mã hàng đối với mặt hàng bột cacbonat canxi tại Biểu thuế xuất khẩu.
- Thông tư 111/2014/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng cao su thuộc nhóm 40.01, 40.02, 40.05 quy định tại Biểu thuế xuất khẩu ban hành kèm theo Thông tư 164/2013/TT-BTC: Giảm thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng cao su từ 1% xuống 0%.
- Thông tư 122/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung danh mục nhóm mặt hàng và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng đối với mặt hàng khung gầm đã gắn động cơ, có buồng lái, có tổng trọng lượng có tải trên 20 tấn nhưng không quá 45 tấn quy định tại Thông tư 164/2013/TT-BTC.
- Thông tư 131/2014/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư 164/2013/TT-BTC.
- Thông tư 139/2014/TT-BTC sửa đổi mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 84.58 và 84.59 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư 164/2013/TT-BTC.
- Thông tư 173/2014/TT-BTCsửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC để thực hiện cam kết WTO năm 2015.
- Thông tư 186/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Chương 98 quy định mã hàng hóa và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng đối với một số nhóm mặt hàng của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư 164/2013/TT-BTC.
- Thông tư 36/2015/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng vàng trang sức, kỹ nghệ và các sản phẩm khác bằng vàng thuộc các nhóm 7113, 71.14, 71.15 tại Biểu thuế xuất khẩu.
- Thông tư 63/2015/TT-BTCsửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng sắn thuộc nhóm 07.14 tại Biểu thuế xuất khẩu ban hành kèm theo Thông tư 164/2013/TT-BTC.
- Thông tư 78/2015/TT-BTC ngày 20/5/2015 sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng, dầu thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
- Thông tư 101/2015/TT-BTC bổ sung danh mục nhóm mặt hàng và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ để sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm thuộc Chương 98 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư 164/2013/TT-BTC .
- Thông tư 131/2015/TT-BTC sửa đổi Thông tư 164/2013/TT-BTC về mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xơ staple tổng hợp từ polyeste thuộc mã hàng 5503.20.00 tại Biểu thuế nhập khẩu.
- Thông tư 141/2015/TT-BTC dừng thực hiện Thông tư 63/2015/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng sắn thuộc nhóm 07.14 tại Biểu thuế xuất khẩu
- Thông tư 163/2015/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa thuộc nhóm 87.04 và bộ linh kiện ô tô, khung gầm đã gắn động cơ, có buồng lái thuộc Chương 98 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
- Thông tư 164/2015/TT-BTC sửa đổi danh mục nhóm mặt hàng và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ để sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm thuộc Chương 98 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi kèm theo Thông tư 164/2013/TT-BTC .
- Các quy định khác của Bộ Tài chính về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi trái với quy định tại Thông tư này.
>>> Xem chi tiết Biểu thuế xuất nhập khẩu 2016.
8. Thống nhất ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội
Kỳ họp thường lệ của Quốc hội là mỗi năm 02 kỳ, trong đó: kỳ họp giữa năm khai mạc vào ngày 20/5 và kỳ họp cuối năm khai mạc vào ngày 20/10.
Trường hợp ngày khai mạc trúng vào ngày thứ 6 của tuần hoặc ngày nghỉ theo quy định pháp luật thì ngày khai mạc kỳ họp là ngày làm việc kế tiếp.
Trường hợp bất khả kháng không thể tổ chức kỳ họp vào các thời điểm trên thì ngày khai mạc do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.
Căn cứ Nghị quyết 102/2015/QH13 về Nội quy kỳ họp Quốc hội.
9. Hướng dẫn đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ
Theo Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch 2014, việc đăng ký khai sinh cho trẻ sinh ra do mang thai hộ được thực hiện như sau:
- Người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp giấy tờ sau:
+ Văn bản xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ.
+ Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu.
+ Giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. (Nếu không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh, nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh).
+ Văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
Phần khai về cha, mẹ của trẻ được xác định theo cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ.
- Thủ tục đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định sau:
Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ nêu trên, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định sau vào Sổ hộ tịch:
+ Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán.
+ Quốc tịch của trẻ em được xác định theo quy định pháp luật về quốc tịch.
+ Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh được cấp khi đăng ký khai sinh. Thủ tục cấp số định danh cá nhân được thực hiện theo Luật Căn cước công dân và Nghị định hướng dẫn Luật Căn cước công dân, trên cơ sở bảo đảm đồng bộ với Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
+ Ngày, tháng, năm sinh được xác định theo Dương lịch. Nơi sinh, giới tính của trẻ em được xác định theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp.
Nếu không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh, nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
Đối với trẻ em sinh tại cơ sở y tế thì nơi sinh phải ghi rõ tên của cơ sở y tế và tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi có cơ sở y tế đó; trường hợp trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế thì ghi rõ tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi trẻ em sinh ra.
+ Quê quán của người được đăng ký khai sinh được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.
Sau đó, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
10. Lệ phí thẻ Căn cước công dân
Từ ngày 01/01/2016, bắt đầu thay thẻ CMND bằng thẻ Căn cước công dân. Theo đó, mức thu lệ phí cấp Thẻ căn cước công dân như sau:
- Trường hợp đổi: 50.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
- Trường hợp cấp lại: 70.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
Đối với công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi, các xã biên giới, các huyện đảo thì mức nộp bằng 50% mức nêu trên.
Trường hợp công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân lần đầu, đổi thẻ Căn cước công dân khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi và đổi thẻ Căn cước khi có sai sót về thông tin trên thẻ do lỗi của cơ quan quản lý thẻ thì không phải nộp lệ phí thẻ.
Quy định này được đề cập tại Thông tư 170/2015/TT-BTC.
11. Chậm đổi giấy phép lái xe sang thẻ PET phải thi lại lý thuyết
Theo Thông tư 58/2015/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, giấy phép lái xe bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET theo lộ trình sau:
- Giấy phép lái xe ô tô và giấy phép lái xe hạng A4: trước ngày 31/12/2016.
- Giấy phép lái xe không thời hạn (các hạng A1, A2, A3): trước ngày 31/12/2020. Sau 06 tháng theo lộ trình chuyển đổi nêu trên, người có giấy phép lái xe bằng giấy bìa phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe.