Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, hàng năm Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện; đồng thời, phối hợp với các tổ chức thành viên, các ngành chức năng thông qua các buổi họp khu dân cư, tổ khu phố, sinh hoạt các chi hội đoàn thể và trên hệ thống loa phát thanh ở cơ sở đã tổ chức tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội. Qua đó, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân; giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước. Tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh kiến nghị với Đảng và nhà nước; cùng với Đảng và nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Hàng năm, trên tinh thần định hướng nội dung công tác giám sát của Cấp ủy Đảng, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát theo Quyết định số 217 của Bộ Chính trị bảo đảm tính thiết thực, cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam. Từ năm 2015 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, tỉnh đã thành lập các Đoàn thực hiện được 101 cuộc giám sát, trong đó cấp tỉnh thực hiện được 06 cuộc giám sát, cấp huyện thực hiện 95 cuộc giám sát. Nội dung giám sát như việc triển khai thực hiện giá cước bốc xếp, vận chuyển hàng hóa, hành khách tại các cảng Phú Quý, cảng cá Phan Thiết theo Quyết định số 913/QĐ-UBND ngày 11/5/2012 của UBND tỉnh Bình Thuận quy định tạm thời về mức thu bốc xếp và mức cước vận chuyển trên biển các loại mặt hàng tại các cảng của tỉnh Bình Thuận; công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan chức năng trong việc tổ chức, sắp xếp, quản lý các đội bốc xếp hai đầu cảng theo quy định; việc triển khai chính sách tín dụng trên địa bàn tỉnh theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; công tác giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; giám sát việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; việc giải quyết các chế độ bảo hiểm y tế cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo được hưởng bảo hiểm y tế; thực hiện chế độ bảo hiểm y tế cho các đối tượng đã được hưởng chế độ theo Quyết định 62, 142, 290 của Thủ tướng Chính phủ; việc chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết định số 551/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và công tác Hòa giải cơ sở; việc theo dõi, quản lý đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo; công tác hỗ trợ khắc phục thiên tai...
Thực hiện Hướng dẫn số 11-HD/TU ngày 09/12/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận về đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân theo Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Năm 2016, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy tổ chức đối thoại giữa đồng chí Bí Thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh với 300 công dân trên địa bàn thành phố Phan Thiết liên quan đến các nội dung như: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Đề án 920 của tỉnh; quản lý vệ sinh môi trường đô thị; quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị; việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. MTTQ Việt Nam các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Phú Quý, Bắc Bình, TX.LaGi cũng phối hợp tổ chức cho công dân các xã trong huyện đối thoại trực tiếp với đồng chí Bí Thư và Chủ tịch UBND huyện, thị xã.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tham gia góp ý dự thảo các văn bản khi được Cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp yêu cầu như góp ý dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện, tỉnh, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, một số văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cùng cấp ban hành liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tổ chức Hội nghị, cuộc họp lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) với 614/657 người được mời tham dự, chiếm tỷ lệ 93%, tham gia góp ý 194 ý kiến; góp ý vào Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) với 548/596 người được mời tham dự, chiếm tỷ lệ 92%, tham gia góp ý 71 ý kiến. Ngoài ra, tại trụ sở làm việc của cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đều đặt hòm thư tiếp nhận góp ý của công dân và phân công cán bộ phụ trách hàng tuần vào sáng thứ hai mở hòm thư góp ý một lần để kịp thời xử lý các ý kiến góp ý của công dân.
Có thể nói, hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh những năm qua đạt được một số kết quả thiết thực. Nhiều phát hiện, kiến nghị của Mặt trận được chính quyền và các ngành chức năng tiếp thu, giải quyết kịp thời và nhân dân đồng tình ủng hộ, vai trò, vị trí của Mặt trận ngày càng được nâng lên đã giúp cho Cấp ủy, chính quyền ngày càng sâu sát cơ sở, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, từ khi thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW và Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện bước đầu còn lúng túng. Trình độ, năng lực của cán bộ Mặt trận cơ sở có lúc có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là hoạt động giám sát và phản biện xã hội, nên khi triển khai còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện; việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chưa thật chủ động, chủ yếu thực hiện việc góp ý khi được cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị yêu cầu...
Trong thời gian đến, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh tiếp tục nghiên cứu, vận dụng triển khai thực hiện tốt Quyết định số 217- QĐ/TW, Quyết định số 218- QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, trước tiên tổ chức thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội theo nội dung đã được phê duyệt của Cấp uỷ đảng đã đề ra năm 2017 từ tỉnh đến cơ sở; chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền tổ chức đối thoại giải quyết những vấn đề bức xúc, những vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài, nhất là trong công tác bồi thường, giải tỏa các dự án trên địa bàn tỉnh không để phát sinh phức tạp; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn Mặt trận các xã, thị trấn về việc triển khai, thực hiện Quyết định số 217- QĐ/TW, Quyết định số 218- QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI)./.