Thảo luận tại hội nghị, đa số các đại biểu thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Theo các đại biểu, việc sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; phù hợp với quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức gây ra khi thi hành công vụ đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan mới được ban hành. Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi) bao gồm 9 chương, 78 điều, với mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phù hợp với Hiến pháp năm 2013; đồng bộ, thống nhất với văn bản pháp luật hiện hành; thiết lập cơ chế pháp lý minh bạch, khả thi để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.
Góp ý về nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường nhà nước, các đại biểu đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành, theo đó, bên cạnh cơ chế giải quyết bồi thường tại cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thì cho phép kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại, trong quá trình tố tụng hành chính, tố tụng hình sự; đồng thời bổ sung quy định người bị thiệt hại khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện tại Tòa án yêu cầu bồi thường.
Còn về kinh phí bồi thường, đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về cơ quan lập dự toán kinh phí bồi thường là Sở Tài chính va Bộ Tài chính. Các đại biểu cũng đề nghị chỉnh lý quy định tại Điều 61 về quyết toán kinh phí bồi thường để phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước. Tại Điều 13 về quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại, các đại biểu đề nghị bổ sung một khoản quy định quyền và nghĩa vụ của người đại diện của người bị thiệt hại, quyền và nghĩa vụ của người thừa kế và người đại diện theo pháp luật; bổ sung quyền của người bị thiệt hại được tư vấn, hỗ trợ pháp lý miễn phí…
Trên cơ sở ý kiến đóng góp xây dựng của các đại biểu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận sẽ tổng hợp báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình trước khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới.