TIN HOẠT ĐỘNG

Kết quả tham gia xây dựng chính quyền của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp năm 2020

Trong năm 2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục tổ chức tuyên truyền Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bằng nhiều hình thức thích hợp đến với cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp, các đối tượng là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tầng lớp Nhân dân; tổ chức tổng kết 05 năm thi hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ cấp xã đến cấp tỉnh; tập trung tuyên truyền một số Luật đã ban hành có hiệu lực năm 2020 và phối hợp tổ chức giới thiệu, phổ biến sâu rộng về Luật tín ngưỡng, tôn giáo trong chức sắc các tôn giáo, tín đồ và các đối tượng của MTTQ; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, quan điểm, những nội dung cơ bản của Đảng, Nhà nước ta về chủ quyền biển, đảo... Kết quả đã tổ chức tuyên truyền hơn 2.451 cuộc với khoảng 7.535 lượt người tham dự; phối hợp với ngành Tư pháp cùng cấp cung cấp hơn 5.425 tờ rơi, tờ gấp, tài liệu liên quan đến các Luật hiện hành đến cán bộ công chức, người lao động và nhân dân… Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tham gia cùng với Ban Chỉ đạo Đề án xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức khảo sát và kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án tại Tỉnh đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và Ban chỉ đạo các huyện: Hàm Tân, La Gi, Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc. Ngoài ra, phối hợp với các tổ chức thành viên, các ngành liên quan tiếp tục tổ chức xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm, các “Nhóm nòng cốt”, “Câu lạc bộ pháp luật”, “tủ sách pháp luật”, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ và điều kiện thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật

*Về công tác giám sát: Đối với MTTQ Việt Nam tỉnh năm 2020, thực hiện công văn số 1597-CV/TU, ngày 06/12/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phê duyệt nội dung giám sát, phản biện xã hội năm 2020 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh được Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt 02 nội dung giám sát trong năm 2020. Trên cơ sở đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thành lập 02 Đoàn giám và tiến hành 02 cuộc giám sát, với 15 kiến nghị gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh để tiếp tục chỉ đạo. Đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ tại 05 huyện, thị xã, thành phố. Qua giám sát, đã kịp thời chấn chỉnh một số hạn chế của MTTQ cơ sở và kiến nghị 03 vấn đề đề nghị UBND tỉnh tiếp tục xem xét giải quyết. Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham gia cùng HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 tại huyện Tuy Phong, Bắc Bình và Đức Linh; giám sát công tác phòng, chống ma túy tại Thị trấn Phan Rí Cửa – huyện Tuy Phong và phường Bình Tân - thị xã La Gi; giám sát Nghị quyết số 73/2019/NQ-HĐND, ngày 25/7/2019 về quy định mức hỗ trợ thường xuyên cho chức danh đội trưởng, đội phó cho dân phòng và định mức trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho dân phòng, Ban bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát, đã kịp thời kiến nghị các ngành chức năng giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quản lý Nhà nước ở địa phương và sửa đổi, bổ sung các Quyết định phù hợp với chính sách thực tiễn của tỉnh. Đối với các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã tổ chức giám sát 10 nội dung, có 41 kiến nghị gửi đến các ngành chức năng sau giám sát. Đối với cấp huyện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam 10/10 huyện, thị xã, thành phố xây dựng chương trình giám sát theo kế hoạch và tổ chức 17 cuộc giám sát, kiến nghị 65 ý kiến đến UBND cấp huyện, phòng, ban có liên quan, UBND cấp xã giải quyết; Đối với cấp xã: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã tổ chức giám sát 169 nội dung, kiến nghị 517 vấn đề đến các cơ quan chức năng giải quyết, Các nội dung giám sát chủ yếu như: việc triển khai thực hiện chính sách cho người nghèo, dân tộc thiểu số; giải quyết đơn thư; đạo đức công vụ của cán bộ, công chức; việc thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP,ngày 09/4/2020 của Chính phủ…

*Về công tác phản biện xã hội: đối với Cấp tỉnh năm 2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh không tổ chức Hội nghị phản biện ở cấp tỉnh, tập trung tổ chức 02 hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các vị chức sắc các tôn giáo, dân tộc, người tiêu biểu và CBCC- NLĐ cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, qua đó có 64 ý kiến góp ý. Triển khai tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền công tác chuẩn bị Đại hội tỉnh Đảng bộ Khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 ở 03 lớp tại các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc với hơn 240 người tham dự. Đối với Cấp huyện:  Đã tổ chức 03 hội nghị phản biện dự thảo về tình hình kinh tế - xã hội  với 22 ý kiến kiến nghị. Ngoài ra, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tổ chức góp ý văn kiện Đại hội Đảng các cấp, báo cáo kiểm điểm của Ban thường vụ Huyện ủy, Đảng ủy và tham gia góp ý, phản biện một số văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cùng cấp ban hành liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện nay, toàn tỉnh có 124 Ban Thanh tra nhân dân/124 xã, phường, thị trấn với 984 thành viên, hoạt động ổn định. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị tọa đàm nâng cao chất lượng hoạt động “Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng”năm 2020 tại các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Phú Quý và thị xã La Gi cho hơn 230 đại biểu. Qua tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận những cách làm hay, hiệu quả, đồng thời nêu ra những khó khăn, tồn tại trong quá trình hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để rút kinh nghiệm nhằm đưa hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động ngày càng chất lượng và hiệu quả. Năm 2020, Ban Thanh tra Nhân dân các xã, phường, thị trấn tiến hành giám sát 345 cuộc; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng các xã, phường, thị trấn giám sát 425 công trình giao thông nông thôn với tổng giá trị trên 542,32 tỷ đồng, riêng vốn huy động trong nhân dân hơn 189,81 tỷ đồng. Qua giám sát, các Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã phát hiện đơn vị thi công, chủ đầu tư thực hiện không đúng theo thiết kế, kịp thời kiến nghị đơn vị thi công khắc phục.

Trên cơ sở hướng dẫn về nội dung xây dựng quy ước thực hiện Quy chế dân chủ ở thôn, khu phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể là thành viên của Ban Chỉ đạo đã phối hợp với chính quyền cấp xã tiếp tục xây dựng, rà soát sửa đổi, bổ sung nội dung quy chế, quy ước thực hiện dân chủ theo Pháp lệnh 34 và chỉ đạo xây dựng, ban hành quy ước thực hiện dân chủ ở thôn, khu phố theo hướng dẫn của UBND tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 10/10 huyện, thị xã, thành phố; 124/124 xã, phường, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ và xây dựng quy chế hoạt động.Việc phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được các cấp Mặt trận triển khai và thực hiện tốt, trong Quý II, đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm Tổ trưởng Tổ kiểm tra số 02 - Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh đã kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2019 và 4 tháng đầu năm 2020 tại Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ xã Sông Phan, huyện Hàm Tân và Kho bạc nhà nước Hàm Tân. Qua kiểm tra, các địa phương, đơn vị đều thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng thời cấp ủy và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục quan tâm và triển khai việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đạt được những kết quả nhất định góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh có văn bản hướng dẫn, đôn đốc Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện và cấp xã xâydựng kế hoạch tổ chức các buổi tiếp xúc giữa Đại biểu dân cử với cử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp. Kết quả MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp tổ chức cho đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận tiếp xúc cử tri trước, sau các kỳ họp Quốc hội khóa XIV ở 41 điểm, có hơn 2.477 lượt cử tri tham dự, ghi nhận 195 ý kiến. Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc 04đợt/493 điểm, có 136.147 cử tri tham dự, ghi nhận 4.726 ý kiến. Đại biểu HĐND huyện, xã tiếp xúc 04đợt/874 điểm, có 252.596 cử tri tham dự, ghi nhận 6.808 ý kiến.

Trong năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiếp 13 lượt công dân, tiếp nhận 43 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân phản ánh về lĩnh vực như hành chính, đất đai, các Quyết định hành chính, các vấn đề chính sách… Kết quả giải quyết như sau: trả lời cho công dân 03 đơn; chuyển 26 đơn cho cơ quan chức năng xem xét, giải quyết; ban hành 12 văn bản đôn đốc các cơ quan tiếp tục giải, lưu theo dõi 14 theo quy định. Đồng thời, phối hợp với Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật tổ chức xác minh và giải quyết dứt điểm 02 vụ việc khiếu nại của công dân tại Thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam và thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh. Ủy ban MTTQ Việt Nam  02 cấp huyện, xã đã tiếp 138 lượt công dân; nhận 704 đơn, phối hợp giải quyết thành 538 đơn, 54 đơn đang tiếp tục giải quyết.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp UBND tỉnh, Sở tư pháp thực hiện Đề án“nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”, theo đó lập dự toán kinh phí thực hiện Đề án, chọn 05 huyện (Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tuy Phong, Lagi) tổ chức tập huấn về công tác Mặt trận tham gia việc hòa giải, các kỹ năng cơ bản về công tác hòa giải tại cơ sở vào năm 2021. Đồng thời, các Tổ hòa giải ở cơ sở xã, phường, thị trấn củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các hình thức, phương pháp hòa giải góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân. Kết quả, các Tổ hòa giải ở cơ sở xã, phường, thị trấn của các huyện, thành phố tham gia hòa giải thành 1.329/1.624, đạt tỷ lệ 82% vụ việc mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư như tranh chấp đất đai, tranh chấp lối đi, hôn nhân gia đình, tranh chấp tài sản sau ly hôn... làm giảm đáng kể vụ việc phải chuyển lên cấp trên giải quyết.

 

 

 

 

 

 


 


Các tin khác

TÀI LIỆU