Nổi rõ là việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp triển khai thực hiện khá đồng bộ. Hệ thống tổ chức MTTQ Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động. Việc phát huy vai trò các chức sắc dân tộc, tôn giáo, nhân sĩ, trí thức trong xây dựng khối đại đoàn kết, vận động các tín đồ tôn giáo, dân tộc và các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động ngày càng có ảnh hưởng tích cực, sâu rộng. Tham mưu và triển khai tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, xây dựng nhà ở, góp phần ổn định đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn (2015-2020) Mặt trận các cấp đã vận động Nhân dân đóng góp trên 156,69 tỷ cùng Nhà nước thực hiện 554,5 km đường bê tông xi măng, với tổng kinh phí đầu tư trên 438,50 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 8,89 tỷ đồng thực hiện cứng hóa 128,40km đường làng, ngõ xóm. Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã vận động được 65.580.150.530 đồng, hỗ rợ xây dựng 1.082 căn nhà và sửa chữa 57 căn nhà tình thương cho hộ nghèo với tổng số tiền 38,71 tỷ đồng. Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, từ năm 2018 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân và Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh thực hiện Chương trình “Mái ấm yêu thương”, mỗi tháng xây tặng 01 căn nhà cho hộ nghèo trị giá 100 triệu đồng/căn; đến nay đã xây được 22 căn, trị giá 2,2 tỷ đồng. Ngoài ra, đã phối hợp cùng các tổ chức thành viên triển khai thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội, trong 5 năm qua đã trao tặng 80.084 phần quà cho hộ nghèo và các hoạt động hỗ trợ sinh kế với tổng trị giá trên 52,5 tỷ đồng, 81 xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho 7.358 người nghèo, cấp phát 14.713 thẻ BHYT cho hộ nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai với số tiền trên 9 tỷ đồng, hỗ trợ cho 1.844 hộ nghèo với số tiền 1,695 tỷ đồng, Quỹ cứu trợ các cấp trong tỉnh đã vận động được trên 40 tỷ đồng; chi cứu trợ trên 30 tỷ đồng hỗ trợ cho Nhân dân trong và ngoài tỉnh bị thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt,....
Các ý kiến, kiến nghị của Mặt trận và các thành viên qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền nghiêm túc tiếp thu, chỉ đạo khắc phục... MTTQ các cấp đã thực hiện được 852 cuộc giám sát, kiến nghị trên 454 ý kiến đến UBND các cấp, các ngành chức năng để xem xét giải quyết, tổ chức 17 Hội nghị phản biện xã hội, tham gia phản biện bằng văn bản 34 cuộc. Đối với cấp xã đã tham gia góp ý, phản biện các chính sách ở địa phương với 527 cuộc...Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh mạnh lên về mọi mặt với khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Mặt trận trong những năm qua vẫn còn những hạn chế. Đó là công tác vận động, tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc còn chưa toàn diện và chậm đổi mới. Sự phối hợp giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên để nắm bắt tình hình, giải quyết tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc trong nhân dân ở một số việc có lúc chưa kịp thời. Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp, xây dựng quê hương có mặt còn hạn chế. Công tác phản biện xã hội đạt chất lượng chưa cao, chủ yếu chỉ tham gia góp ý các dự thảo văn kiện, các văn bản quy phạm pháp luật...
Từ thực tiễn trong triển khai thực hiện phong trào dân vận khéo thời gian qua, Mặt trận các cấp đã rút ra một số bài học kinh nghiệm. Thứ nhất: Đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, kịp thời của Đảng là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành công của công tác Mặt trận. Hoạt động của Mặt trận phải luôn bán sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, mọi hoạt động phải hướng tới mục tiêu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thứ hai: Mặt trận phải là nơi lắng nghe và phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân, hoạt động của Mặt trận phải hướng tới đáp ứng nguyện vọng, thực sự là người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Thứ ba: Công tác phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, hiệp thương, thống nhất với các tổ chức thành viên sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp cho công tác Mặt trận. Thứ tư: Phải không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đa dạng, linh hoạt và bám sát vào thực tiễn cuộc sống, sát cơ sở, rõ nội dung, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn khu dân cư. Thứ năm: Tiếp tục nâng cao năng lực và uy tín của đội ngũ làm công tác Mặt trận, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận là nhân tố có ý nghĩa quyết định việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của Mặt trận. Thứ sáu: Kịp thời phát hiện, phát huy và nhân rộng gương người tốt, việc tốt các nhân tố điển hình, biểu dương, khen thưởng và tạo ra yếu tố lan tỏa tích cực trong cộng đồng khu dân cư./.