TIN HOẠT ĐỘNG

Phan Thiết: Kết quả 05 năm thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận hai cấp thành phố Phan Thiết

Ngày 12-12-2013, Bộ Chính trị đã ra các quyết định ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; “Quy định về MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Qua 05 năm UBMTTQ hai cấp thành phố Phan Thiết  tích cực triển khai thực hiện đã đạt những kết quả bước đầu. 

Ngay sau khi Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành, Ban Thường trực UBMTTQ thành phố phối hợp với Ban Dân vận Thành uỷ, tham mưu với Ban Thường vụ Thành uỷ tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt, triển khai nội dung các văn bản liên quan đến Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW của Trung ương, tỉnh và thành phố cho 140 cán bộ cán bộ lãnh đạo chủ chốt hai cấp thành phố. Sau hội nghị Thành ủy tổ chức, 86/86 Cấp ủy, cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai, quán triệt toàn thể cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên; tổ chức 4 lớp tập huấn đến các đồng chí trưởng, phó các cơ sở Hội và Chủ tịch, Phó chủ tịch Mặt trận phường, xã. Kết quả có 125.257/1331.850 hội viên, đoàn viên (đạt tỉ lệ 94%) và 3570/3643 đảng viên (đạt tỉ lệ 97%) tham dự.

 Việc thực hiện cụ thể hóa Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị; Hướng dẫn số 08-HD/TU ngày 19/8/2014 và 11-HD/TU ngày 09/12/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, được Ban Thường trực UBMTTQ  thành phố phối hợp Ban Dân vận Thành ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng và ban hành Kế hoạch số 128-KH/TU, ngày 18/9/2014 để triển khai thực hiện việc  quy định trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp thu ý kiến góp ý của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân. Qua 5 năm, UBMTTQ thành phố tổ chức 38 cuộc giám sát chuyên đề với 06 nội dung tại 38 cơ quan, đơn vị cấp thành phố và phường, xã. Giám sát 18 phường, xã về công tác tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 02 năm (2014-2015) và công tác thực hiện điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2014 trên địa bàn thành phố (với mục đích xác lập và lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí qui định của Chính phủ áp dụng gia đoạn 2011 -2015); Thực hiện văn bản qui phạm pháp luật về hoạt động Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng và công tác Hòa giải cơ sở của 18 phường, xã. Đối với cấp thành phố, MTTQ thành phố giám sát Phòng Văn hóa Thông  tin –TDTT thành phố nội dung nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư của 18 phường, xã; Giám sát UBND thành phố việc thực hiện Luật Tiếp công dân. Riêng UBMTTQ phường, xã đã thực hiện 90 cuộc với 53 nội dung bao gồm: giám sát các tổ chức tại địa phương, cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, cán bộ công chức...Phối hợp với HĐND cùng cấp tổ chức giám sát 92 cuộc trên một số lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh như thu hồi đất, giải tỏa, đền bù, tái định cư, kết quả thực hiện các chương trình, phương án, dự án...đang triển khai thực hiện trên địa bàn phường, xã.      Ngoài ra, Ban Thường trực UBMTTQ thành phố tích cực phối hợp với Thường trực HĐND thành phố, tham gia giám sát 25 cuộc tại 17 cơ quan, đơn vị về các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, thực hiện chính sách, pháp luật. Phối hợp với Viện kiểm sát giám sát 12 cuộc về việc tuân theo pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù…   

Sau giám sát, đã kiến nghị với cấp ủy, chính quyền và các đơn vị được giám sát, trong đó đã được tiếp thu, giải quyết thực hiện nhiều nội dung, như các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính; các biện pháp, cách làm về công khai dân chủ, phát huy giám sát của Thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng, Tổ hòa giải cơ sở; Việc thực hiện bố trí Cán bộ văn phòng, Ban Kiểm tra Thành ủy tham gia tiếp dân tại Văn phòng tiếp công dân của thành phố theo qui định của Luật Tiếp công dân ...Cũng thông qua hoạt động giám sát, góp ý của MTTQ và các đoàn thể, chính quyền hai cấp thành phố, các cơ quan, các ngành đã thấy rõ hơn nhiệm vụ phải làm, kịp thời có kế hoạch, biện pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại, triển khai rõ hơn nhiệm vụ trong thời gian tới.

Hoạt động phản biện xã hội từng bước được triển khai thực hiện, tuy nhiên cơ bản mới chỉ mới thực hiện phản biện văn kiện đại hội Đảng tổng hợp những ý kiến tâm huyết, đề xuất điều chỉnh nhiều giải pháp quan trọng trong các chương trình kinh tế - xã hội của thành phố và các phường, xã.  UBMTTQ hai cấp đã tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật, nhất là tham gia tích cực vào việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992; tổ chức nghiên cứu, tham gia ý kiến đóng góp vào trên 12 dự thảo Luật; tích cực tham gia vào các dự thảo chương trình, đề án của địa phương, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân... Trong 5 năm đã góp ý 17 Dự thảo Nghị quyết, Chương trình, Đề án của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; tổ chức 115 lượt hội sơ, tổng kết chỉ thị, nghị quyết, chương trình của của Trung ương, tỉnh, thành phố kiến nghị nhiều nội dung điều chỉnh những bất cập, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân. Ngoài ra MTTQ và các đoàn thể còn thực hiện việc góp ý thường xuyên, đột xuất, định kỳ, tiếp nhận và tổng hợp ý kiến của các tổ chức thành viên, các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ hai cấp, tham gia tổ chức đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân, tổ chức Hội nghị đại biểu dân cử các cấp tiếp xúc cử tri, tổng hợp chuyển đến chính quyền, ý kiến, kiến nghị tại kỳ họp HĐND hai cấp thành phố.

Thông qua hoạt động tổ chức cho đại biểu dân cử các cấp tiếp xúc cử tri, Mặt trận hai cấp thành phố thực hiện công tác giám sát

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, còn không ít khó khăn, hạn chế, một số phường, xã còn bị động từ khâu lựa chọn hình thức phối hợp đến nội dung, đối tượng giám sát. Việc quán triệt triển khai tuy khá sâu rộng trong hệ thống chính trị song còn chung chung. Một số phường, xã hạn chế việc thực hiện từ khâu xây dựng kế hoạch đến khâu triển khai giám sát, phản biện xã hội. Sự phối hợp giữa Mặt trận với các đoàn thể chính trị - xã hội chưa chặt chẽ, thường xuyên. Năng lực thực hiện giám sát, phản biện xã hội của không ít cán bộ Mặt trận ở phường, xã còn lúng túng.

Sau 5 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:  Trước hết, phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp của chính quyền, các tổ chức thành viên; tăng cường phát huy vai trò của Ủy viên Ủy ban MTTQ hai cấp thành phố, chuyên gia trên các lĩnh vực. Quan tâm các biện pháp nâng cao chất lượng cán bộ MTTQ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tiếp đến phải căn cứ tình hình thực tiễn của từng địa phương, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố và phường, xã cần lựa chọn được nội dung, vấn đề giám sát, phản biện xã hội phù hợp, nhất là những vấn đề mà xã hội và nhân dân đang quan tâm để tham mưu với Cấp ủy xây dựng kế hoạch thực hiện. Bên cạnh đó, cần thiết phải bám sát hướng dẫn và các quy định, quy chế để triển khai, thực hiện đúng quy trình; đồng thời vận dụng linh hoạt cách làm phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương và nội dung lĩnh vực giám sát, phản biện, góp ý. Các ý kiến kiến nghị phải được chắt lọc, giải pháp đưa ra phải đảm bảo hiệu quả, tính khả thi; theo dõi, giám sát việc tiếp thu, thực hiện kiến nghị của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các đơn vị sau giám sát, phản biện, góp ý. Thường xuyên lắng nghe, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và nhân dân, lắng nghe các vấn đề mà các tầng lớp nhân dân quan tâm, phản ánh thông qua Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, Uỷ ban MTTQ và các tổ chức thành viên ở từng cấp;  định kỳ tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong thời gian tới, MTTQ các cấp cần thực hiện tốt vấn đề: Tiếp tục quán triệt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, mục đích, quan điểm, tính chất, nội dung của Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ chính trị. Thường xuyên bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng về quy trình, phương pháp giám sát nhân dân cho cán bộ MTTQ và các đoàn thể để thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ hai cấp thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chương trình công tác hàng năm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cụ thể hóa nhiệm vụ giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vào chương trình phối hợp, thống nhất hành động để có sự phối hợp đồng bộ giữa MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội. Ngoài ra, phải thường xuyên trao đổi, phối hợp phản ánh thông tin với các cơ quan nhà nước, các ngành chức năng; phát huy vai trò của các vị ủy viên Ủy ban Mặt trận, người có uy tín trong chức sắc tôn giáo, các chuyên gia…tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn, chú trọng nâng cao kỹ năng lắng nghe, truyền đạt, tổng hợp của cán bộ Mặt trận, đoàn thể ở cơ sở.

                                                                                                                                                                                                 

 


Các tin khác

TÀI LIỆU