Với vai trò chủ trì triển khai cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trên cơ sở thực tiễn của địa phương, MTTQ huyện, xã cùng tập trung huy động nguồn đóng vào Quỹ Vì người nghèo và lựa chọn nội dung hỗ trợ người nghèo thông qua nhiều chương trình an sinh xã hội phù hợp như: làm nhà Đại Đoàn kết, hỗ trợ người nghèo chữa bệnh, con em người nghèo học tập… Hơn nữa, MTTQ xác định rõ Nhân dân là chủ thể chính trong xây dựng nông thôn mới nên đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bển vững, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình nông thôn mới. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của mình, tập trung hướng mạnh về cơ sở; phối hợp xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản của nhân dân, nhất là mô hình “Khu dân cư phòng chống tội phạm, ma túy” để bảo đảm xây dựng các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” ngày càng có chất lượng và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, cụ thể là việc tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã đã phối hợp chặt chẽ với UBND, BCĐ nông thôn mới cùng cấp tiến hành tổ chức Hội nghị triển khai và hướng dẫn nội dung, cách thức, quy trình lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới; thành phần hội nghị bao gồm: cấp ủy, UBND, BCĐ, các đoàn thể ở xã, cấp ủy chi bộ thôn, Ban điều hành, Ban công tác Mặt trận, tổ tự quản....với các bước lấy ý kiến đối với đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; huyện đề nghị đạt chuẩn nông nông thôn mới; thị xã/thành phố đề nghị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
* Các Bước triển khai quy trình lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới: Bước 1: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp trên đơn vị đề nghị đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới phối hợp với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cùng cấp xây dựng kế hoạch và hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp có đơn vị đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới thực hiện việc lấy ý kiến người dân. Bước 2: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đề nghị đạt chuẩn nông thôn mới; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện đề nghị đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới phối hợp với Ban chỉ đạo (Ban vận động) xây dựng nông thôn mới cùng cấp thống nhất cách thức, thời gian thực hiện; phân bổ phiếu cho các khu dân cư và triển khai cho Ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư tiến hành lấy ý kiến các hộ gia đình. Bước 3: Ban Công tác Mặt trận khu dân cư chủ trì cùng các đoàn thể tổ chức lấy ý kiến thông qua tổ chức họp dân hoặc phát phiếu cho các hộ gia đình, hướng dẫn hộ gia đình ghi phiếu trả lời câu hỏi và nhận phiếu từ các hộ gia đình. Bước 4: Tổng hợp kết quả lấy ý kiến:
+ Đối với đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới: Ban Công tác Mặt trận tổng hợp phiếu gửi MTTQ Việt Nam cấp xã; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã tổng hợp kết quả, báo cáo bằng văn bản gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện thẩm định kết quả và gửi báo cáo về Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh và Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh.
+ Đối với việc đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã/thành phố đề nghị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới: Ban Công tác Mặt trận tổng hợp và gửi phiếu về Ban Thường trực MTTQ Việt Nam cấp xã; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã tổng hợp kết quả, báo cáo bằng văn bản gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện tổng hợp kết quả và gửi về Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh thẩm định kết quả từ cấp huyện và báo cáo gửi Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh.
Việc tổ chức triển khai phiếu lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân được tiến hành ở khu dân cư do Ban công tác Mặt trận chủ trì cùng với các đoàn thể và Trưởng thôn phối hợp thực hiện. Công tác phối hợp giữa cấp xã, thôn, Tổ dân cư và các chi hội của các đoàn thể khá nhịp nhàng và chủ động (có địa phương còn thành lập Tổ tuyên truyền và phân công thành viên phụ trách từng tổ dân cư). Tính đến nay, số địa phương tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới cấp xã: số đạt 20 xã, số không đạt: không có xã nào.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn (2010 - 2020), Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố và phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng cấp đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện; công tác tuyên truyền được quan tâm và đẩy mạnh...thông qua đó nâng cao nhận thức trách nhiệm của người dân trong việc tham gia lấy ý kiến đóng góp xây dựng nông thôn mới, thực hiện ý kiến của mình trong phiếu khảo sát sự hài lòng. Quá trình triển khai các địa phương đã bám sát nội dung, trình tự, thủ tục hướng dẫn; Mặt trận và các đoàn thể từ xã đến khu dân cư đã thể hiện trách nhiệm trong công tác lấy ý kiến của người dân; công tác tổng hợp và xây dựng báo cáo đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Kết quả tổ chức lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân bảo đảm tính khách quan, trung thực và thể hiện được chính kiến của nhân dân về kết quả xây dựng nông thôn mới. Từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, khuyến khích, động viên người dân tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới trong thời gian đến./.