TIN HOẠT ĐỘNG

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp: Kinh nghiệm và giải pháp trong việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động đã được MTTQ các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện hàng chục năm nay. Cuộc vận động đã thu hút sự tham gia đông đảo và rất tích cực của toàn dân, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh trong từng địa bàn khu dân cư, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng quà cho bà con nghèo nhân dịp Ngày hội đại đoàn kết tại xã Phước Thể, huyện Tuy Phong.

Trong 03 năm qua, việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động đã đem lại nhiều kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của tỉnh nhà. Cuộc vận động đã phát huy được tính tích cực, sáng tạo và nội lực của cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở từng địa bàn dân cư, khơi dậy truyền thống đoàn kết, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, tích cực xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

05 nội dung của Cuộc vận động đã được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh bổ sung thêm, cụ thể hóa hơn nữa so với hướng dẫn của Trung ương để lồng ghép các nội dung của phong trào “Bình Thuận chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Bình Thuận chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” cũng như các phong trào thi đua khác và các chương trình phối hợp vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường ; phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội...Thông qua triển khai thực hiện chương trình công tác hàng năm, hệ thống Ủy ban Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện các văn bản của Trung ương, của Tỉnh về xây dựng nông thôn mới, nhất là các văn bản triển khai của UBND tỉnh; theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã cụ thể hóa, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ và đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới”, “Dân vận khéo”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại các địa phương. Bên cạnh đó, Mặt trận và đoàn thể phối hợp triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới thông qua các cuộc họp giao ban công tác Mặt trận định kỳ hàng quý, các cuộc làm việc về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng... Đưa nội dung giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 20/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" trên địa bàn tỉnh vào nội dung kiểm tra, giám sát năm 2018 của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Trong những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các huyện, thị xã,  thành phố và các tổ chức thành viên của MTTQ nhận thức đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên từ nay đến năm 2020 để Mặt trận và các tổ chức thành viên cùng góp phần với các ngành, các cấp và các địa phương thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở chương trình phối hợp và hiệp thương, phân công thực hiện 5 nội dung của Cuộc vận động để đạt hiệu quả cao và thiết thực nhất. Chúng tôi đã đề ra nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện Cuộc vận động nhằm phát huy nội lực và tinh thần tự chủ, tính chủ động, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững. Chúng tôi sẽ không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của mình, tập trung hướng mạnh về cơ sở để theo dõi, hướng dẫn cơ sở thực hiện cho đúng với tinh thần đây là Cuộc vận động lấy khu dân cư làm địa bàn triển khai. Đã phối hợp xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản của nhân dân, nhất là mô hình “Khu dân cư phòng chống tội phạm, ma túy” để bảo đảm xây dựng các danh hiệu “Gia đình văn hóa”,  “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” ngày càng có chất lượng cao hơn. Đã phối hợp thực hiện các hoạt động giám sát, phản biện xã hội để bảo đảm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững ở tỉnh ta được thực hiện đúng chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Thuận lợi trong tuyên truyền, vận động, xây dựng Chương trình nông thôn mới trong các năm qua luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nổ lực của cả hệ thống chính trị với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, luôn có sự sáng tạo, đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng, từng lúc, từng nơi, từng thời điểm. Sự nhiệt tình và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong hệ chính trị nói chung và MTTQ nói riêng. Kinh nghiệm rút ra trong công tác huy động nguồn lực vào xây dựng nông thôn mới là phải cần có sự tập trung phối hợp chỉ đạo cụ thể, liên tục, đồng bộ và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị; tăng cường kiểm tra, sơ kết, tổng kết, thúc đẩy thực hiện chương trình. Mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương mình, tránh rập khuôn, máy móc. Tạo điều kiện để mỗi địa phương tự chủ trong xác định nhu cầu thiết thực và việc phân bổ nguồn lực cũng tập trung ưu tiên hơn cho các nhu cầu thiết thực này. Đa dạng hoá việc huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, theo phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết”. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, như việc sử dụng nguồn lực vào các công trình công cộng phải được người dân bàn bạc dân chủ và thống nhất, có giám sát cộng đồng, đảm bảo công khai, minh bạch. Một thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện là nhân dân luôn tin vào sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước nên các Dự án, công trình luôn có sự tham gia đóng góp và được sự hưởng ứng cao của nhân dân. Đây là những thuận lợi cơ bản góp phần quan trọng vào sự thành công của Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh trong những năm qua.Tuy nhiên mặt khó khăn trong thời gian qua là nền kinh tế có bước phát triển, song về cơ bản vẫn còn thấp, thu nhập bình quân đầu người mới đạt mức trung bình so với cả nước; tỷ lệ hộ nghèo thấp nhưng không bền vững và luôn tìm ẩn nguy cơ tái nghèo; trình độ dân trí chưa tương xứng với sự phát triển, một bộ phận không nhỏ cán bộ, nhân dân chưa nhận thức và hiểu rõ nội dung, mục đích, ý nghĩa Chương trình xây dựng NTM và xem đây là nhiệm vụ của nhà nước nên còn sự trông chờ, ỷ lại; thời tiết diễn biến bất thường nên các ngành kinh tế, nông nghiệp mũi nhọn của tỉnh phát triển chậm; điều này đã ảnh hưởng lớn đến sự đóng góp của cộng đồng cho Chương trình NTM tại địa phương.

Về Giải pháp và nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Xin nêu một số nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ các cấp như sau: Xác định chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong chương trình công tác của cấp ủy đảng và chính quyền; gắn việc thực hiện Cuộc vận động với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, đơn vị. Phát huy vai trò gương mẫu thực hiện Cuộc vận động của cán bộ, đảng viên, xem đây là một trong những tiêu chí xem xét đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên và công nhận các danh hiệu thi đua.

Tiếp tục tổ chức quán triệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Làm cho nhân dân hiểu mục đích, ý nghĩa của Chương trình xây dựng nông thôn mới, những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, phát huy dân chủ của nhân dân. Kêu gọi doanh nghiệp tích cực hơn, cùng tham gia thực hiện nông thôn mới bằng những việc làm cụ thể. Thường xuyên cập nhật, đưa tin phổ biến cách làm hay, các mô hình hiệu quả, gương điển hình tiên tiến về xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì phối hợp với các đoàn thể tỉnh triển khai Cuộc vận động đến xã, phường, thị trấn và các khu dân cư. Chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp xây dựng kế hoạch thực hiện Cuộc vận động với nội dung, chỉ tiêu, giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể; lấy khu dân cư làm địa bàn quan trọng để triển khai thực hiện Cuộc vận động nhằm phát huy vai trò tự quản, tính sáng tạo của cộng đồng dân cư. Hằng năm tổ chức tổng kết biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân, khu dân cư thực hiện tốt Cuộc vận động nhân dịp tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư.

Tiếp tục phát huy sức mạnh của cộng đồng dân cư, truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc; mọi người dân, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tiếp tục nêu cao truyền thống đoàn kết, tinh thần năng động, sáng tạo; tích cực gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại địa phương, tiếp tục xây dựng các Hương ước, quy ước ở khu dân cư, góp phần xây dựng khu dân cư ngày càng phát triển, giữ vững danh hiệu “Khu dân cư văn hoá” ngày càng đi vào thực chất hơn.

Chú trọng quan tâm đúng mức phát triển giáo dục ở nông thôn; phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; cải thiện và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, chú trọng xây dựng và nhân rộng mô hình tự quản về an ninh, trật tự ở khu dân cư; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và người có uy tín cộng đồng. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong hoạt động bảo vệ môi trường; triển khai xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, trong đó tập trung các biện pháp thu gom, xử lý chất thải đạt hiệu quả trên địa bàn các xã nhằm cải thiện cảnh quan môi trường nông thôn./.

 

 

 

 

 

 

 


Các tin khác

TÀI LIỆU