Từ năm 2014 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã thực hiện được 359 cuộc giám sát, tổ chức được 179 cuộc phản biện xã hội tham gia góp ý dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, huyện, xã; dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng; một số văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cùng cấp ban hành liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... Đặc biệt là đã phối hợp tổ chức thành công các hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân theo Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI). Sau giám sát, các Đoàn giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã kiến nghị với cấp ủy, chính quyền và các đơn vị được giám sát, trong đó đã được tiếp thu, giải quyết thực hiện nhiều nội dung, như các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tăng mức độ hài lòng của người dân; các biện pháp, cách làm về công khai dân chủ, phát huy giám sát đầu tư của cộng đồng...Cũng thông qua hoạt động giám sát, góp ý của MTTQ và các đoàn thể, chính quyền các cấp, các cơ quan, các ngành đã thấy rõ hơn nhiệm vụ phải làm, kịp thời có kế hoạch, biện pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại, triển khai rõ hơn nhiệm vụ trong thời gian tới.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: Kinh phí cấp cho hoạt động giám sát theo quyết định 217-QĐ/TW ở cấp huyện còn ít, một số nơi như Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Đức Linh và TX. LaGi chưa được cấp kinh phí; Kinh phí phục vụ công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã không có, chỉ sử dụng từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên nên có ảnh hướng nhất định đến chất lượng công tác giám sát của Mặt trận cơ sở; công tác phản biện xã hội tuy có triển khai nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn chưa được rõ nét; việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chưa thật chủ động, chủ yếu thực hiện việc góp ý khi được cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị yêu cầu. Hòm thư góp ý tại các cơ quan nhân dân chưa quan tâm tham gia góp ý, chưa phát huy hiệu quả; kỹ năng tổ chức hoạt động giám sát và phản biện của đội ngũ cán bộ Mặt trận còn hạn chế, nhất là ở cơ sở.
Thời gian đến, MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục nghiên cứu, vận dụng triển khai thực hiện tốt Quyết định số 217- QĐ/TW, Quyết định số 218- QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Trước tiên tổ chức thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội theo nội dung đã được phê duyệt của Cấp uỷ đảng đã đề ra năm 2017 từ tỉnh đến cơ sở; chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền tổ chức đối thoại giải quyết những vấn đề bức xúc, những vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài, nhất là trong công tác bồi thường, giải tỏa các dự án trên địa bàn tỉnh không để phát sinh phức tạp; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn Mặt trận các xã, thị trấn về việc triển khai, thực hiện Quyết định số 217- QĐ/TW, Quyết định số 218- QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI)./.