TIN HOẠT ĐỘNG

Chức sắc các tôn giáo trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào, các cuộc vận động do MTTQ phát động

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 08 tôn giáo được Nhà nước công nhận (gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo Bàni, Bàlamôn giáo, Cao đài, Ba’hai, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam) đang hoạt động trên địa bàn 121/124 xã, phường, thị trấn với 498 cơ sở tôn giáo, 1.776 chức sắc, tu sĩ và 495.799 tín đồ các tôn giáo, chiếm 38,8% dân số toàn tỉnh. Thông qua các phong trào và cuộc vận động, chức sắc các tôn giáo đã tuyên truyền, vận động tín đồ chấp hành các chủ trương của Đảng, Nhà nước và các giới răn của tôn giáo về lòng “từ bi”, “bác ái”, xây dựng hành vi đạo đức, mẫu mực của công dân. Hằng năm, thông qua việc tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” khu dân cư thu hút trên 80% các gia đình giáo dân, tín đồ các tôn giáo, các dân tộc và các vị chức sắc, nhà tu hành tham dự, với khí thế sôi nổi, phấn khởi, góp phần tạo sự hòa hợp đoàn kết giáo - lương, thực hiện phương châm “tốt đời, đẹp đạo”. Các tổ chức tôn giáo, các vị chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo đã vận động tín đồ đóng góp kinh phí, ngày công, hiến đất để nâng cấp, bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, mắc hệ thống điện chiếu sáng; tham gia xây dựng nhà sinh hoạt và nhà vệ  sinh thôn, khu phố, góp phần chỉnh trang bộ  mặt nông thôn. Hầu hết đồng bào có đạo thực hiện tốt các phong trào ở địa phương như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động "Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", vận động quỹ “Vì người nghèo”, quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" , tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ”; cùng với cộng đồng dân cư hưởng ứng thực hiện tốt các mô hình như: “Khu dân cư phòng chống tội phạm”, “Khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông”; “Khu dân cư  bảo vệ  môi trường”, “bảo đảm an ninh trật tự trong các họ đạo Công giáo; mô hình “Tuyến đường văn minh” trong vùng đồng bào có đạo. Trong những năm qua các tổ chức tôn giáo đã hỗ trợ, tặng trên 100.000 suất quà cho người nghèo với số tiền 12.901 triệu đồng. Tại một số địa phương, chức sắc, tín đồ các tôn giáo, cơ sở thờ tự còn hỗ trợ xây dựng 68 căn nhà tình thương cho người nghèo với số tiền 2.040 triệu đồng (mỗi căn từ 25-60 triệu đồng); nhận đỡ đầu hộ nghèo neo đơn, nấu cơm từ thiện phát tại bệnh viện huyện, tỉnh; hỗ trợ kịp thời cho đồng bào vùng ven biển bị ảnh hưởng thiên tai do biển xâm thực, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, tổ chức các cơ sở nuôi trẻ khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật, tổ chức các phòng thuốc nam từ thiện... góp phần cùng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể làm tốt công tác an sinh xã hội.  Đã tổ chức triển khai xây dựng 05 mô hình điểm “Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đồng bào dân tộc Chăm theo Hồi giáo Bà ni và Bà la môn xã Phan Thanh và Phan Hiệp huyện Bắc Bình và xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, phát động tại 05 điểm thờ tự Phật giáo (huyện Bắc Bình); triển khai tuyên truyền, vận động tại vùng đồng bào Công giáo xã Đức Tín, huyện Đức Linh; các Chi hội Tin lành trong tỉnh đã triển khai tuyên truyền, vận động tín hữu thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Tập thể giáo phẩm, tín hữu của Hội Thánh Tin lành tỉnh trong những năm qua đã vận động giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ với những người nghèo khó, người gặp khó khăn tại cộng đồng dân cư như: làm giếng nước, khoan giếng nước, đặt hệ thống lọc nước, làm nhà vệ sinh, sửa chữa nhà cho đồng bào do bị ảnh hưởng lốc và mưa bão... với tổng giá trị  820.000.000 đồng....

Qua 05 năm, tổ chức Phật giáo đã đóng góp, hỗ trợ cho công tác cứu trợ thiên tai lũ lụt, xây nhà tình thương, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi, Hội người Mù, Hội khuyến học, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Hội Chữ thập đỏ, phong trào Tết cho người nghèo, chương trình từ thiện cho các bệnh viện, đóng góp làm đường giao thông nông thôn và gần đây nhất là những đóng góp thiết thực cùng chính quyền trong phòng, chống dịch Covid-19… với tổng số tiền trên 129 tỷ đồng. Ban đại diện Tin lành tỉnh Bình Thuận và các Chi hội Hội Thánh Tin lành thông qua Ban Y tế xã hội Tổng Liên Hội đã vận động hỗ trợ cho đồng bào nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn xây dựng mới và sửa nhà 40 căn cho hộ nghèo, đào và khoan 20 giếng nước, làm 20 nhà vệ sinh, lắp hệ thống nước lọc, thực hiện trên 120 tủ thuốc; đưa hàng trăm bệnh nhân đi khám chữa bệnh, mổ mắt miễn phí; tặng quà  và trao học bổng cho học sinh nghèo, hỗ trợ và chăm sóc 35 trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi được đến trường, cấp phát cho học sinh nghèo 100 chiếc xe đạp, tặng 5.000 suất quà cho các cháu thiếu nhi vui Tết Trung thu, đóng góp thiết thực cùng chính quyền trong phòng, chống dịch Covid – 19 với tổng giá trị trên 8,3 tỷ đồng. Các Chi hội của Tịnh độ cư sĩ Phật hội trong tỉnh, ngoài việc chăm lo, hỗ trợ cho đồng bào nghèo khám chữa bệnh, còn đóng góp nhiều suất quà cho các hoàn cảnh gặp khó khăn trên 01 tỷ đồng. Các tổ chức công giáo trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua đã tích cực phối hợp với chính quyền, MTTQ chăm lo cho người nghèo và đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương đạt nhiều kết quả (giáo xứ Thanh Hải, phường Thanh Hải, giáo xứ Vĩnh Phú, phường Hưng Long – T.p Phan Thiết) và hỗ trợ xây nhà cho đồng bào nghèo (giáo xứ Hiệp Nghĩa, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, một số giáo xứ ở huyện Tánh Linh...), các Linh mục quản xứ kêu gọi tín đồ đóng góp làm đường giao thông nông thôn, chương trình ánh sáng an ninh cho khu dân cư, hỗ trợ hàng ngàn suất quà cho các hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Lễ trọng công giáo, Tết cho người nghèo...Trên  lĩnh vực giáo dục xã hội, các tổ chức tôn giáo luôn quan tâm đầu tư cho giáo dục mầm non, xem đây là việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần đáng kể nâng tỉ lệ trẻ trong độ tuổi ra lớp ngày càng cao và góp phần đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của các bậc phụ huynh trong tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 62 cơ sở giáo dục mầm non do các tôn giáo mở lớp, thu nhận trên 5.400 cháu. Bao gồm: 13 trường và 42 cơ sở của Công giáo; 7 cơ sở của Phật giáo; với 167 nhóm, lớp (39 nhóm trẻ và 128 lớp mẫu giáo). Một số gắn liền các cơ sở thờ tự của các tôn giáo như nhà thờ, tu viện, dòng tu, chùa, tịnh xá; một số ít hình thành trường… Sự ra đời và phát triển của cơ sở giáo dục mầm non do các tôn giáo mở góp phần giảm tải cho cơ sở mầm non công lập, thực hiện tốt việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục.

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 05 cơ sở, phòng khám bệnh và cấp thuốc đông y từ thiện mang tên Phòng chẩn trị y học cổ truyền của các tổ chức tôn giáo Phật giáo, Công giáo, Tịnh độ cư sĩ Phật hội; 28 cơ sở tôn giáo tổ chức bếp ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại các tuyến bệnh viện trong tỉnh, với số lượng thụ hưởng hàng tháng trên 21.000 lượt người. Ngoài ra, còn có 11 cơ sở là cơ sở bảo trợ xã hội, Trung tâm nuôi trẻ và nuôi trẻ mồ côi  gắn liền với tu viện, dòng tu, chùa của các cơ sở tôn giáo Phật giáo, Công giáo… Các cơ sở khám chữa bệnh tôn giáo và các Trung tâm bảo trợ xã hội của các tổ chức tôn giáo đã góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và công tác xã hội hóa từ thiện. Riêng Phật giáo, hàng năm các cơ sở Phật giáo trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động xã hội từ thiện với giá trị trên 12 tỷ đồng..

 

 


Các tin khác

TÀI LIỆU