Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định số 218-QĐ/TW “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” năm 2013 ban hành nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X của Đảng; việc ban hành hai Quyết định này vừa là yêu cầu của Đảng, vừa là nguyện vọng của nhân dân, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy dân chủ xã hội. Hơn năm năm qua, kể từ khi có các Quyết định này, chủ trương của Đảng về giám sát, phản biện xã hội kể từ Đại hội X của Đảng đã được hiện thực hóa, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội được triển khai cụ thể, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao vị thế, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, của các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức năng đại diện cho lợi ích, nguyện vọng của nhân dân.
Qua 5 năm thực hiện Quyết định số 217, Quyết định số 218 của Bộ Chính trị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì triển khai được 08 cuộc giám sát, kiến nghị 53 ý kiến với Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan quan tâm giải quyết; các hoạt động giám sát tập trung vào các vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa cấp bách với toàn xã hội như: Việc triển khai thực hiện giá cước bốc xếp, vận chuyển hàng hóa, hành khách tại các cảng Phú Quý, cảng cá Phan Thiết theo Quyết định số 913/QĐ-UBND ngày 11/5/2012 của UBND tỉnh Bình Thuận quy định tạm thời về mức thu bốc xếp và mức cước vận chuyển trên biển các loại mặt hàng tại các cảng của tỉnh Bình Thuận; công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan chức năng trong việc tổ chức, sắp xếp, quản lý các đội bốc xếp hai đầu cảng theo quy định; việc giải quyết tình hình ô nhiễm môi trường tại thôn Ung Chiếm, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc; việc triển khai chính sách tín dụng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện Quy chế dân chủ trong thực hiện dự án đường Lê Duẫn (đoạn từ đường Lê Hồng Phong đến đường Trần Hưng Đạo), thành phố Phan Thiết... Ở tất cả 10 huyện, thị xã, thành phố và 127 xã, phường, thị trấn đã triển khai hoạt động giám sát theo nhu cầu của địa phương, có sự phối hợp chặt chẽ với Cấp ủy và chính quyền địa phương. Cấp huyện đã thực hiện được 75 cuộc, kiến nghị 240 ý kiến, cấp xã giám sát 589 cuộc, kiến nghị 1.867 ý kiến đến UBND cùng cấp và các ngành liên quan giải quyết. Công tác phản biện xã hội được triển khai sâu rộng và hiệu quả hơn. Ở cấp tỉnh tổ chức 01 cuộc phản biện xã hội; cấp huyện được 04 cuộc và cấp xã được 427 cuộc. Tổ chức hơn 500 cuộc đối thoại, các cuộc đối thoại này đều được người đứng đầu tiếp thu giải trình và hầu hết các ý kiến được giải quyết ngay tại các hội nghị đối thoại…
Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả và hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của chính quyền các địa phương; kiến nghị những giải pháp thực hiện đúng và hiệu quả hơn; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp thống nhất hành động giữa các thành viên của Mặt trận, phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nhất là cơ sở. Qua đó, góp phần bảo đảm và tăng cường an ninh trật tự xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được cũng còn những hạn chế, thiếu sót như kỹ năng tổ chức hoạt động giám sát và phản biện của đội ngũ cán bộ Mặt trận còn hạn chế, nhất là ở cơ sở; các ý kiến, kiến nghị sau hoạt động giám sát của Mặt trận ở cơ sở ít được quan tâm chỉ đạo giải quyết của cấp có thẩm quyền; công tác phản biện xã hội tuy có triển khai nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn chưa được rõ nét; công tác kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị của hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp chưa được thường xuyên; việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chưa thật chủ động, chủ yếu thực hiện việc góp ý khi được cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị yêu cầu. Hòm thư góp ý tại các cơ quan nhân dân chưa quan tâm tham gia góp ý, chưa phát huy hiệu quả....
Để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội trong thời gian đến Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giám sát, phản biện, góp ý tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thực hiện tốt các nhiệm vu giám sát, phản biện xã hội, góp ý tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền hàng năm đúng theo quy định và thời gian đề ra; tiếp tục tập huấn kỹ năng công tác giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị và tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị ở cấp huyện, cấp xã. Theo dõi các kiến nghị sau giám sát, phản biện; đôn đốc các ban, Ngành, phòng ban thực hiện các kiến nghị của đoàn giám sát./.