Trong năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện giám sát người đứng đầu và tiến hành giám sát Chủ tịch UBND xã Đức Thuận, xã Gia Huynh. Qua giám sát đã chỉ ra một số hạn chế trong công tác điều hành, quản lý và có ý kiến đề nghị khắc phục, qua giám sát đã góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn đã phối hợp tổ chức 7 cuộc đối thoại giữa Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, thị trấn với nhân dân nhằm đề xuất giải quyết các vấn đề bức xúc tại địa phương, có 435 người tham dự, qua đối thoại đã có 42 ý kiến phản ánh, kiến nghị đề xuất giải quyết. Mặt trận các cấp đã tập trung góp ý vào 18 dự thảo Nghị quyết chuyên đề của cấp ủy về thực hiện nghị quyết của Đảng; góp ý dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của HĐND 2 cấp. Đồng thời, tham mưu cấp ủy, chính quyền tham gia ý kiến về xây dựng các chính sách, quy định ở địa phương có liên quan thiết thực đến lợi ích và đời sống của nhân dân.
Song song với đó, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng các xã, thị trấn đã tổ chức giám sát được 36 công trình ở các lĩnh vực như: Xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp đường giao thông bê tông nông thôn, giao thông nội đồng, nạo vét kênh mương thủy lợi, sửa chữa nhà văn hóa, trường học, xây dựng cầu dân sinh, giám sát việc xây dựng nhà tình thương… với tổng số tiền gần 9,7 tỷ đồng. Trong đó công trình vốn của Nhà nước đầu tư là 8 công trình với số tiền gần 2 tỷ đồng, công trình có vốn của nhân dân đóng góp là 12 công trình với số tiền hơn 547 triệu đồng, công trình do nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ là 16 công trình với số tiền hơn 7,1 tỷ đồng.
Thời gian đến, để tiếp tục triển khai thực hiện và nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, đối thoại nhân dân Mặt trận các cấp trong huyện đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện. Trong đó, tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có chiều sâu các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác giám sát, phản biện xã hội; tiếp tục nắm bắt tình hình nhân dân, đề xuất các nội dung giám sát về giải quyết các vấn đề bức xúc trong nhân dân, qua đó xây dựng kế hoạch giám sát phù hợp, cụ thể, thiết thực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện cho nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Bên cạnh đó, cần phải công khai, minh bạch, cung cấp, trách nhiệm giải trình các thông tin liên quan đến nội dung, chương trình, đối tượng, phạm vi giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và người dân, góp phần thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.