Xác định công tác tuyên truyền thực hiện Luật Trẻ em năm 2016 là nhiệm vụ thường xuyên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của công tác Mặt trận. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hướng dẫn Mặt trận các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức tuyên truyền Hiến Pháp Nước CHXHCNVN, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình gắn với đó lồng ghép tuyên truyền Luật trẻ em đến với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi chính đáng hợp pháp cho trẻ em. Kết quả đã tổ chức 45 lớp, với 4.185 lượt người là cán bộ Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể cơ sở tham dự; tuyên truyền hơn 4.205 cuộc với 874.592 lượt người tham dự; giải thích, trả lời và tư vấn về pháp luật cho hơn 246.000 công dân tại cụm dân cư, hộ gia đình…; chuyển tải cho 27.778 lượt người mượn sách pháp luật để tìm hiểu; tổ chức các đợt tập huấn hỗ trợ về kiến thức pháp luật cũng như nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho 78 Câu lạc bộ pháp luật, 372 Nhóm nòng cốt. Mặt trận các cấp cũng tích cực tham gia trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tại mỗi gia đình và cộng đồng dân cư thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Thông qua Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, trong những năm qua, Mặt trận các cấp đã tích cực phối hợp Ban chỉ đạo tiếp bước cho em đến trường các cấp vận động và tham gia xét duyệt, đã trao hơn 4.000 suất học bổng trị giá trên 2 tỷ đồng. Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tích cực vận động nhiều doanh nghiệp trong tỉnh ủng hộ, giúp đỡ trực tiếp đối với một số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bằng vật chất, kinh phí....
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Vấn đề về trẻ em chưa được cộng đồng nhận thức rõ và đầy đủ nên dẫn đến hạn chế trong triển khai thực hiện quyền tham gia của trẻ em; Sự vào cuộc của các cơ quan liên quan trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em còn chưa sâu sát. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực với trẻ em, kể cả trong môi trường học đường và trong gia đình ngày càng gia tăng; đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn thiếu và yếu về năng lực, thiếu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong việc phát triển quyền tham gia của trẻ em…/.