Tại cuộc họp, đa số các đại biểu đều nhất trí đề nghị bổ sung vào phạm vi điều chỉnh các hoạt động về quản lý mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Theo các đại biểu, việc quản lý mỹ phẩm và thực phẩm chức năng trên thị trường hiện nay đang bị bỏ lững, dẫn đến tình trạng buôn bán tràn lan, khó kiểm soát, làm ảnh hưởng đến vật chất và tinh thần của người tiêu dùng, do đó, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với hai loại trên. Riêng về quản lý trang thiết bị y tế, nếu đưa vào Luật Dược thì cần phải thể hiện rõ về phạm vi điều chỉnh đối với việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng; đồng thời, trong Luật cần cải có những Chương, Điều cụ thể về quản lý đối với Trang thiết bị y tế.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về phát triển y học cổ truyền, có ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định chính sách để quy tụ, bảo vệ và phát triển các bài thuốc gia truyền quý, phát triển y học cổ truyền; cần có chế độ đãi ngộ đối với các tập thể, cá nhân nuôi trồng cây thuốc dược liệu nhằm giảm tình trạng nhập khẩu dược liệu. Một số ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ việc nhập khẩu dược liệu để tránh tình trạng nhập khẩu dược liệu kém chất lượng. Về chứng chỉ hành nghề dược, đa số ý kiến đề nghị quy định cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần kèm theo điều kiện định kỳ cập nhật kiến thức chuyên môn. Đối với thời gian thực hành khi cấp chứng chỉ hành nghề, có ý đề nghị cân nhắc việc quy định giảm từ 5 năm xuống còn 18 tháng đến 2 năm cho tương thích với điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề y, tiêu chuẩn hành nghề phù hợp với một số địa bàn khó khăn. Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận, cho ý kiến đối với việc quản lý nhà nước về giá thuốc, về chính sách của nhà nước đối với dược và phát triển công nghiệp dược, về nghĩa vụ của người hành nghề dược…
Trên cơ sở ý kiến đóng góp xây dựng của các đại biểu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận sẽ tổng hợp báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình trước khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới.