TIN HOẠT ĐỘNG

Nêu cao ý thức của nhân dân trong thực hiện tốt phong trào “Chống rác thải nhựa”.

Ngày nay các sản phẩm nhựa và túi nilon là những vật dụng phổ biến trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của người dân. Sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa và nilon mang lại các tiện ích, nhưng nó cũng chính là mối nguy hiểm lớn gây ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của nhân dân. Hưởng ứng Thư kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về chung tay hành động giải quyết các vấn đề rác thải nhựa, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương và địa phương về thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”. Nhiều cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã chung tay triển khai các phong trào, hoạt động nhằm hạn chế và đẩy lùi rác thải nhựa. Tạo lập thói quen "nói không" với rác thải nhựa ở công sở và gia đình bắt đầu từ những việc làm cụ thể là một trong những cách dễ thực hiện nhưng mang lại hiệu quả thiết thực.

Đ/c Phan Thị Vi Vân - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh báo cáo viên tại lớp tập huấn công tác bảo vệ Môi trường.

Ðể từng bước hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh bằng các hoạt tuyên truyền đa dạng, phong phú như tổ chức họp dân, hội thi, hội diễn, tọa đàm, míttinh... đã phối hợp với các tổ chức thành viên cùng cấp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tới toàn thể các tầng lớp nhân dân, cán bộ công nhân viên chức, người lao động. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý thức của mỗi người dân, mỗi công chức, viên chức và người lao động trong việc thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, giảm thiểu và tiến tới chấm dứt sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần; vận động đoàn viên, hội viên mỗi người một hành động nhỏ, hãy nói không với rác thải nhựa để hạn chế ô nhiễm môi trường với nhiều cách đơn giản như mang theo túi đựng khi đi mua sắm, mang theo bình đựng nước dùng lại, dùng ly cá nhân thay ly nhựa, dùng hộp chứa thức ăn để đựng thức ăn, không dùng ống hút, dao, thìa, nĩa dùng một lần, không dùng túi nilon, giữ đồ ăn thừa trong hộp thủy tinh... Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh tổ chức 04 lớp tập huấn, tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường mà trọng tâm là hạn chế việc sử dụng rác thải nhựa trong cuộc sống hàng ngày tại các xã Hàm Chính, Phú Lạc, Tân Phước và thị trấn Lạc Tánh thu hút gần 300 người tham dự. Bên cạnh đó, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chỉ đạo cơ quan, đơn vị mình hạn chế sử dụng nước uống đóng chai nhựa sử dụng một lần và ống hút nhựa trong tất cả các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện của cơ quan, thay vào đó sử dụng các vật dụng khác như: Ly sứ, thủy tinh, bình đựng nước dùng nhiều lần, các vật liệu dễ phân hủy, bình nước lớn (thể tích 20L); phát huy phong trào không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy như ống hút, chai nước, hộp nhựa đựng thức ăn, chén, đĩa nhựa...trong các hoạt động của cơ quan; hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong việc mua sắm văn phòng phẩm tại cơ quan; tích cực tái sử dụng các loại bì nhựa, hộp nhựa đựng tài liệu; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng chuyên trang, bài viết, chuyên mục, phóng sự tài liệu liên quan về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon đối với kinh tế, xã hội, môi trường và sức khỏe cộng đồng, vận động người dân bỏ dần thói quen dùng chất thải nhựa sử dụng một lần và túi ni lon khó phân hủy.

Trong thời gian đến, để tiếp tục tuyên truyền, triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh một cách đồng bộ, hiệu quả và có sức hút lan tỏa rộng trong nhân dân, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Trong quá trình triển khai, cần phát hiện, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm hay, mô hình sáng tạo về chống rác thải nhựa…để nhân rộng. Bên cạnh việc hạn chế, đẩy lùi rác thải nhựa, cần nghiên cứu để có các giải pháp lựa chọn, thay thế các loại vật dụng nhựa bằng các chất liệu thân thiện với môi trường. Cán bộ, công chức, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc thay đổi nhận thức, thói quen và hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại cơ quan cũng như đời sống gia đình và ở khu dân cư bằng những việc làm cụ thể, tránh tình trạng “tuyên truyền suông”. Mỗi một người dân cũng cần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng túi ni lon và các vật liệu bằng nhựa để cùng với Đảng, nhà nước chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chúng ta./.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT

TÀI LIỆU