TIN HOẠT ĐỘNG

Một số nhiệm vụ phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian đến.

Phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện theo nguyên tắc thống nhất ý chí và hành động với quan điểm không để vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị bỏ lại " quá xa" so với vùng liền kề; từ đó, tập trung mọi nguồn lực, triển khai thực hiện việc huy động phối hợp các nguồn lực của Nhà nước, các thành phần kinh tế và tại chỗ để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tốc độ nhanh và bền vững; trong quá trình triển khai thực hiện phải gắn với việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

Đến nay, tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh ta có 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có đường ô tô được nhựa hóa thông suốt đến trung tâm xã; 100% xã được phủ sóng truyền hình, phát thanh; 98% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 88,3% hộ được sử dụng 3 nước sạch, hợp vệ sinh; 17/17 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số có nhà văn hóa; 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; mạng lưới y tế ở các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số được củng cố, hoàn thiện cả về tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, trang thiết bị; cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 21,6%; 100% đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn, diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế; thực hiện kịp thời việc cấp phát báo, tạp chí miễn phí cho người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian đến, Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp như:

Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy và các văn bản liên quan đến công tác dân tộc trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tiếp tục nỗ lực thực hiện đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới. Chú ý nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc phổ biến, quán triệt, tổ chức thực hiện, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo kịp thời việc tổ chức thực hiện của các ngành, địa phương.

Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục rà soát, thực hiện có kết quả các nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể được nêu trong các Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ; đồng thời, thể hiện đầy đủ vào Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, tập trung một số nội dung:  Nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác theo dõi, tham mưu chỉ đạo việc thực hiện các nghị quyết, chủ trương về công tác dân tộc gắn với đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, quy chế dân chủ ở cơ sở.

 Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất sản xuất đã cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào. Đồng thời, tiếp tục xem xét, giải quyết đất sản xuất cho đồng bào chưa có đất sản xuất hoặc còn thiếu đất sản xuất ở những nơi còn quỹ đất nông nghiệp gắn với đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, khuyến công, khuyến thương thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp trên từng địa bàn.

Duy trì và phát huy hiệu quả công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với nghiên cứu thực hiện chính sách hưởng lợi từ rừng và thực hiện các Đề án “Lâm nghiệp xã hội” với các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cho hộ đồng bào nhận khoán quản lý, bảo vệ và tham gia vào quá trình phân công sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đẩy mạnh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững theo kế hoạch đã đề ra. Tăng cường công tác quản lý và phát huy hiệu quả các công trình đã được đầu tư. Đồng thời, ưu tiên các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết nối hệ thống giao thông nội vùng và liên thông các vùng, kênh mương thủy lợi, nước sinh hoạt, hạ tầng thương mại - dịch vụ, đẩy mạnh đầu tư ứng trước và thu hút doanh nghiệp bao tiêu nông sản hàng hóa của đồng bào. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện tốt việc cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định, chú ý làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh.

Đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, ngày càng thiết thực, hiệu quả. Có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa đã được đầu tư, gắn với phát triển các loại hình dịch vụ du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo chuỗi kết nối liên vùng.

Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc của các thế lực thù địch.

Thường xuyên chăm lo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy đúng mức vai trò lãnh đạo của cấp ủy, hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền và chức năng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, thực hiện có kết quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát huy đội ngũ cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số tại chỗ, phân công cán bộ có năng lực nắm giữ các vị trí chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, làm lực lượng nòng cốt trong công tác chính trị của Đảng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ, nhất là số cán bộ, công chức cấp xã chưa đủ chuẩn, tạo điều kiện để đủ sức đảm đương nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tăng cường công tác giao lưu, kết nghĩa giữa Mặt trận Tổ quốc các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện, các lực lượng vũ trang và các sở, ngành với các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và giữa các xã giáp ranh với xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng chương trình phối hợp thực hiện công tác dân tộc giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, ban, ngành nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, đồng bộ trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc. Chú ý xây dựng, nhân rộng, biểu dương, khen thưởng kịp thời những gương “người tốt, việc tốt”, các mô hình, điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.


Các tin khác

TÀI LIỆU