TIN HOẠT ĐỘNG

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp: Qua 05 năm thực hiện Chỉ thị 20 -CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước. Xác định tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, 05 năm qua Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp luôn chú trọng công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để trẻ em được chăm sóc, học tập, vui chơi giải trí, được đảm bảo các quyền cơ bản và được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, nhất là luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để các em được sống, được hòa nhập và phát triển.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chăm lo cho trẻ em nghèo, gia đình khó khăn

Trong 05 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên Mặt trận tổ chức tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân bằng nhiều hình thức như: phóng sự, tin, bài, tờ rơi, áp-phích, panô, sinh hoạt nhóm, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt Câu lạc bộ trẻ em; đặc biệt quan tâm tuyên truyền Luật và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em năm 2016, tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho các cấp, các ngành, các bậc phụ huynh và trẻ em trong việc phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em; phòng tránh lao động trẻ em; phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em, tai nạn đuối nước  với hơn 1.000 lượt quần chúng nhân dân tham dự để phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em. Qua công tác tuyên truyền nhận thức của nhân dân ngày càng nâng lên; việc quan tâm đầu tư cho con em được học tập. Công tác tiêm chủng quốc gia được quan tâm, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được tiêm ngừa 6 bệnh nguy hiểm đạt yêu cầu. Tỷ lệ học sinh bị lưu ban các lớp, các cấp học có giảm nhiều, số học sinh tốt nghiệp các cấp đạt cao. Sức khỏe của trẻ em được quan tâm, gần 100% trẻ em được cấp thể Bảo hiểm y tế kịp thời.

Xác định đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em có tính chiến lược lâu dài, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Vì vậy, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thường xuyên có kế hoạch phối hợp tổ chức triển khai các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trong các tầng lớp Nhân dân về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là về các quyền cơ bản của trẻ em; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, tham gia quản lý nhà nước và giám sát việc thực hiện pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.  Xây dựng và tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Công tác phối hợp biểu dương, tôn vinh các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp Hội khuyến học cùng cấp tổ chức biểu dương, tôn vinh các “Gia đình hiếu học” tiêu biểu, dòng họ khuyến học tiêu biểu; tổ chức trao quà, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học trong “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư do Mặt trận chủ trì. Hơn 05 năm nay, nhân dịp “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” được tổ chức ở các thôn, khu phố trong tỉnh, đã có 50.936 lượt hộ “Gia đình hiếu học” tiêu biểu; 215 lượt “Dòng họ khuyến học” được biểu dương; 12.579 suất học bổng, với tổng trị giá trên 2.079.961.000đ được trao cho các em học sinh; 89.853 lượt học sinh vượt khó học giỏi được khen thưởng với tổng trị giá 1.366.352.000đ… Việc biểu dương, tôn vinh kịp thời các gia đình, dòng họ hiếu học tiêu biểu hàng năm trong “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư và trong các Hội nghị đã có tác dụng động viên, thúc đẩy Phong trào “Học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng”, hướng tới xây dựng xã hội học tập ở địa phương.

Qua 05 năm thực hiện Chỉ thị 20 -CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới” đã đạt được những kết quả đó là: Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã được Cấp ủy, chính quyền và Mặt trận các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm các cấp, các ngành, toàn xã hội. Từ đó đã huy động được các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu chương trình bào vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, cơ sở vật chất, trang thiết vị phục vụ vui chơi giải trí ngày càng được cải thiện. Với chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhiều phong trào như: “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, “Phổ cập giáo dục tiểu học” và “Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi” được đông đảo quần chúng hưởng ứng. Kết quả chất lượng và hiệu quả giáo dục có chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm dần, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi, học sinh tốt nghiệp, học sinh giỏi ngày càng cao. Ngoài ra, các cấp, các ngành, các đoàn thể cũng đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: thăm hỏi tặng quà cho học sinh nghèo hiếu học, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang gặp khó khăn, tặng học bỗng cho trẻ em nghèo nhân dịp tổng kết năm học và khai giảng năm học mới, Tết Thiếu nhi.v..v…..Bên cạnh đó, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thời gian qua vẫn còn một số hạn chế: Nhận thức về vai trò, vị trí của trẻ em cũng như vai trò trách nhiệm của người lớn, của xã hội đối với việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em một số nơi chưa cao. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, hội, đoàn thể chưa đồng bộ nên việc phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, thực hiện chính sách đối với trẻ em có lúc, có nơi chưa kịp thời. Các điểm vui chơi và các hình thức giải trí phù hợp với trẻ em chưa được đầu tư đều khắp. Nguồn lực trong xã hội dành cho sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ dễ bị tổn thương còn khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực thi các chính sách, pháp luật đối với trẻ em chưa được thường xuyên, gây khó khăn trong việc phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật đối với trẻ em. Mặt khác do điều  kiện kinh tế xã hội ở một số địa phương còn khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất, khu vui chơi dành cho trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu nhất là trong dịp nghỉ hè; một bộ phận gia đình nghèo, thiếu việc làm, thu nhập thấp, chất lượng cuộc sống không đảm bảo dẫn đến sự phát triển của trẻ.

 

 

 

 

 


Các tin khác

TÀI LIỆU