Tham dự buổi tọa đàm có Ông Nguyễn Văn Nam - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Thượng tá Nguyễn Hữu Thành - Phó trưởng phòng, Phòng phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc (PV 28) Công an tỉnh. Ông Trần Quang Lưu - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tuy Phong. Đại diện Lãnh đạo Đảng Ủy, UBND; Công an, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các Hội, ban, ngành, đoàn thể địa phương cùng tham dự.
Thị trấn Phan Rí Cửa là trung tâm đầu mối kinh tế ở phía Bắc tỉnh Bình Thuận, có cảng cá với gần 600 tàu thuyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các thuyền trong và ngoài tỉnh đến trao đổi, mua bán sản phẩm, dịch vụ hậu cần; có chợ đầu mối và là nơi tiêu thụ nông sản, thực phẩm cho các xã, thị trấn của 2 huyện Bắc Bình và Tuy Phong; có bến xe chạy các tuyến liên tỉnh mà chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh và Phan Thiết tạo cho thị trấn Phan Rí Cửa rất nhộn nhịp.
Trong thời gian qua, tình hình tệ nạn, tội phạm về ma túy trên địa bàn thị trấn Phan Rí Cửa tiếp tục diễn biến phức tạp, các đối tượng hoạt động mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng chuyên nghiệp có tổ chức, thực hiện dưới nhiều hình thức tinh vi, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, lôi kéo các đối tượng được pháp luật bảo vệ như: trẻ em dưới 16 tuổi, phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ tham gia buôn bán ma tuý để hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật khi bị phát hiện bắt giữ, số đối tượng có tiền án liên quan đến ma túy tái phạm còn nhiều, nguồn ma túy thẩm lậu vào địa phương ngày càng đa dạng về chủng loại và khó kiểm soát, tình trạng đánh nhau gây thương, giết người do nguyên nhân xã hội, trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, đặc biệt là tội phạm về ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, lây lan nhanh ở các khu dân cư, trong đó nổi lên là địa bàn khu phố Minh Tân 1, 2, 3, 4, khu phố Hải Tân 3, khu phố Song Thanh 3....Tính đến ngày 31/3/2017, số người nghiện trên địa bàn thị trấn có mặt tại địa phương là 288 người ( 5 người là nữ, 10 người có độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi, 23 người sử dụng ma túy đá), trong đó có 288 người có hồ sơ quản lý theo quy định được cập nhật vào phần mềm quản lý người nghiện của tỉnh.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu trao đổi, tập trung thảo luận về triển khai thực hiện các giải pháp nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng chống tội phạm ở cơ sở, tham gia tố giác tội phạm tại cộng đồng; phát huy vai trò của gia đình, dòng họ trong quản lý, giáo dục người thân trong gia đình vi phạm pháp luật; các hoạt động cụ thể hóa nội dung, tiêu chí phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; kiến nghị các giải pháp nâng cao công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong phòng chống tội phạm, ma túy ở cơ sở; phát huy các mô hình tự quản về an ninh trật tự ở cộng đồng dân cư; hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng; giải pháp triển khai thực hiện giám sát, phản biện những nội dung liên quan đến phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác tham mưu cấp ủy; đề xuất, phối hợp với chính quyền trong thực hiện phòng, chống tội phạm…
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Nam - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh gia cao trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy trên địa bàn thị trấn trong thời gian qua đã được các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn thị trấn phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả, huy động được đông đảo lực lượng tham gia. Hoạt động của các tổ công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng từng bước phát huy hiệu quả; chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đã thể hiện được sự quan tâm đối với người nghiện, tạo môi trường thân thiện để người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Để phát huy hiệu quả công tác này trong thời gian tới, đồng chí cũng đề nghị: cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo của các cấp ủy, sự phối hợp của các ban, ngành đoàn thể triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đặc biệt là tăng cường công tác phối hợp lồng ghép và nâng cao hiệu quả chương trình phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội với các phong trào khác ở cộng đồng; phát huy vai trò của ban công tác mặt trận, cán bộ chi, tổ của tổ chức đoàn, hội trong thực hiện phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội tại cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh