TIN MỚI NHẤT

Đức Linh nâng cao hiệu quả đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân

Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị và nhân dân có ý nghĩa rất quan trọng, để các đồng chính lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương được trực tiếp lắng nghe và tiếp thu ý kiến, kiến nghị, đề xuất cũng như tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, để tập trung giải quyết những vấn đề vướng mắc mà nhân dân đang quan tâm. Từ đó sẽ tiếp thu ý kiến tham gia về những hạn chế, tồn tại, thiếu sót trong quá trình lãnh, chỉ đạo để kịp thời khắc phục, nhằm góp phần tạo sự đồng thuận giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Phát huy tốt vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với các hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Đ/c Huỳnh Văn Tỉnh - Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại hội nghị đối thoại

Trên cơ sở đó, ngày 08/02/2023, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 162-KH/HU về tổ chức đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với cán bộ và nhân dân năm 2023 đối với 4 xã, thị trấn, gồm: Võ Xu, Đức Tài, Nam Chính và Sùng Nhơn. Chủ trì buổi đối thoại có đồng chí Nguyễn Văn Húy - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, đồng chí Huỳnh Văn Tỉnh - Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cùng các đồng chí đại diện Lãnh đạo HĐND huyện, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các hội đoàn thể, các phòng ban chuyên môn của huyện và lãnh đạo Đảng ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN và các ban  ngành đoàn thể của xã, thị trấn.

Qua các buổi đối thoại có 45 ý kiến tại hội nghị, hầu hết các ý kiến liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước như giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; đầu tư các tuyến đường giao thông đang xuống cấp; đầu tư cơ sở vật chất trường học, hệ thống đường điện, quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, trong đó có vấn đề xây dựng nhà dẫn dụ và nuôi chim yến, chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, hổ trợ kinh phí xây dựng cổng chợ; nâng cấp khu Tượng Đài Chiến Thắng, hạ tầng của bệnh viện Đa Khoa khu vực Nam Bình Thuận, tình hình ANTT ở địa phương... Các ý kiến của bà con nhân dân đã được đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện tiếp thu, thông tin, giải thích theo chức năng, thẩm quyền và nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của cán bộ và nhân dân địa phương.

Điều đáng ghi nhận là kết quả các cuộc tiếp xúc, đối thoại ngày càng chất lượng và đi vào nền nếp; tinh thần dân chủ, cởi mở, đối thoại nhiều bên, nhiều cấp cùng tham gia; thành phần tham dự ngày càng mở rộng. Các kiến nghị, đề xuất hợp pháp, chính đáng của Nhân dân thuộc thẩm quyền cơ bản được tiếp thu và xử lý ngay tại cơ sở, hạn chế được bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp và không để phát sinh điểm nóng. Nhờ đó, đã góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự thống nhất cao từ huyện đến cơ sở trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra. Đồng thời việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc, đối thoại thể hiện sự chủ động của cấp ủy, chính quyền trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đi trước một bước trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trước những vấn đề quan trọng tại địa phương, nhất là ở cơ sở. Thông qua hoạt động tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có sự thay đổi về nhận thức, phương thức lãnh đạo, điều hành, quản lý; ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền được nâng lên, hệ thống chính trị vào cuộc để giải quyết các vấn đề, vụ việc nhanh chóng, các chính sách ban hành phù hợp với thực tiễn và đi vào cuộc sống thực chất hơn.

Để công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân ngày một tốt hơn cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như sau:

Thứ nhất là, Phải nhận thức đúng đắn và đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, tạo sức mạnh tổng hợp nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Thứ hai là, nắm vững các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời bám sát nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của huyện, của địa phương để đề ra nhiệm vụ, mục tiêu phát triển bảo đảm đúng hướng, khả thi, hiệu quả, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong quá trình triển khai thực hiện.

Thứ ba là, đổi mới tác phong lãnh đạo, lối làm việc theo hướng phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân; đồng thời, phát huy tốt vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.

Thứ tư là, thường xuyên học tập, bồi dưỡng, nghiên cứu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực và kinh nghiệm công tác để thực thi hiệu quả chức trách, nhiệm vụ, công việc được giao; từ đó vai trò chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền ngày càng được nâng lên.

Thứ năm là, phải luôn coi trọng công tác nắm bắt tình hình nhân dân (tâm tư, nguyện vọng, bức xúc, phản ảnh của người dân; ý kiến phản hồi, đối thoại từ người dân tại các diễn đàn...) trên địa bàn nhằm giải quyết kịp thời, hiệu quả những bức xúc, nổi cộm góp phần bảo đảm an ninh chính chính trật tự an toàn ở địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, sớm đưa huyện Đức Linh về Nông thôn mới nâng cao như kế hoạch Đảng bộ huyện đã đề ra./.

Tác giả: Lê Văn Chí 


Các tin khác

TÀI LIỆU