TIN MỚI NHẤT

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Ngày càng lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân

Nhằm nắm bắt tình hình về công tác lãnh đạo, kết quả triển khai thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ở các địa phương trong tỉnh; kịp thời tổng hợp các ý kiến đề xuất, kiến nghị của các địa phương trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động đến Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Vừa qua, Đoàn kiểm tra việc thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh tiến hành kiểm tra tại huyện Hàm Thuận Bắc và thị xã La Gi trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động năm 2021 và 8 tháng năm 2022. Qua đó ghi nhận Cuộc vận động được triển khai ngày càng sâu rộng, có sức lan tỏa và tác động tích cực đến các tầng lớp nhân dân, cũng như tạo thói quen mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt của người tiêu dùng.

Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh cho biết: Thời gian qua Cấp ủy, UBND, các ban, ngành các cấp của hai địa phương kiểm tra đã ban hành nhiều văn bản về tăng cường thực hiện Cuộc vận động trong tình hình mới; công tác tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như tại Hàm Thuận Bắc Mặt trận huyện bên cạnh tuyên truyền lồng ghép còn thực hiện trên zalo, facebook Mặt trận Hàm Thuận Bắc, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện thì duy trì 35 Tổ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam để tuyên truyền đến hội viên, Huyện đoàn thực hiện tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, Phòng Giáo dục - Đào tạo phổ biến nội dung Cuộc vận động trong toàn ngành… Tại thị xã La Gi, Mặt trận phối hợp Đài Truyền thanh - Truyền hình thị xã tập trung tuyên truyền về ý nghĩa, nội dung của Cuộc vận động với thời lượng 50 phút/10 ngày; treo 31 băng rôn tuyên truyền tại các điểm sinh hoạt cộng đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã tuyên truyền vận động phụ nữ mua sắm hàng Việt, mở 11 buổi tập huấn, tuyên truyền về an toàn thực phẩm, Đoàn Thanh niên thị xã tuyên truyền cuộc vận động thông qua các hoạt động như chiến dịch mùa hè xanh, hoạt động tháng thanh niên, phong trào tuổi trẻ sáng tạo với khẩu hiệu “Tôi yêu Việt Nam”, Hội Nông dân thị xã vận động hội viên trong sản xuất, kinh doanh mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất... Thông qua các hoạt động tuyên truyền, đã giúp cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hiểu và nắm rõ được mục đích, ý nghĩa, vai trò của Cuộc vận động trong tình hình mới; từng bước làm thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân hướng hành vi tiêu dùng vào việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt; hàng Việt Nam chất lượng cao.

Hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, huyện Hàm Thuận Bắc cũng đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi; quan tâm xây mới hoặc nâng cấp các chợ tại địa phương, góp phần phục vụ nhu cầu mua sắm đa dạng hàng hóa chất lượng sản xuất trong nước và bình ổn thị trường… Trong khi ở địa bàn phía Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã cùng Siêu thị Co.opmart La Gi ký kết chương trình phối hợp triển khai thực hiện Cuộc vận động giai đoạn 2022 - 2024; hướng đến tiếp tục phát huy vai trò của doanh nghiệp, xây dựng văn hóa sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng Việt Nam, tích cực giới thiệu sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt có chất lượng đến người tiêu dùng; bên cạnh đó, tại địa phương còn có cơ sở nước mắm nhĩ Yên Tâm được UBND tỉnh công nhận kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm tham gia chương trình một sản phẩm tỉnh đạt tiêu chuẩn 3 sao theo phân hạng sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, Cấp ủy, chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước ở huyện Hàm Thuận Bắc, thị xã La Gi đã có những giải pháp thiết thực triển khai thực hiện Cuộc vận động gắn với chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế ở địa phương. Quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng. Tiến hành thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Kiểm soát chặt chẽ việc ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước khi mua sắm công. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi tiêu dùng và các nhà sản xuất trong nước. Tăng cường phối hợp, từng bước làm tốt công tác quản lý thị trường, kiểm tra chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng quá hạn sử dụng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Kiểm tra quy định niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, chất lượng hàng hoá theo tiêu chuẩn công bố và xuất xứ hàng hóa... kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, góp phần bình ổn thị trường, ngăn chặn hàng giả, các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Năm 2021 và 8 tháng năm 2022 đã kiểm tra 146 cơ sở, xử phạt hành chính 35 cơ sở với số tiền là 76,5 triệu đồng. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã La Gi cũng tiến hành giám sát 01 trường mẫu giáo trên địa bàn trong việc tổ chức nấu ăn cho trẻ. Qua kiểm tra cho thấy, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân luôn tích cực hưởng ứng Cuộc vận động, có ý thức và trách nhiệm cao trong việc sản xuất, tiêu dùng hàng hóa Việt. Đến nay, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã được triển khai ngày càng sâu rộng, có sức lan tỏa và tác động tích cực đến toàn xã hội.

Thời gian đến, để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong tình hình mới, Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh đề nghị các địa phương bên cạnh công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của Cuộc vận động, cần phải phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại đưa hàng Việt về nông thôn; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp uy tín tại địa phương tham gia xúc tiến đưa hàng về khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, địa bàn có nhiều đối tượng nghèo, thu nhập thấp. Song song với đó, chú trọng làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm tra kết hợp với tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; không vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm kém chất lượng./.


Các tin khác

TÀI LIỆU