TIN HOẠT ĐỘNG

Kết quả 15 năm quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp

Trên cơ sở Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 05-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo Mặt trận các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện. Qua đó từng cán bộ, đảng viên nhận thức rõ hơn mục tiêu, quan điểm, phương hướng về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Trong những năm qua, Ủy ban MTTQ Tổ quốc Việt Nam là thành viên Ban chỉ đạo cải cách tư pháp đã thường xuyên phối hợp, kiểm tra, giám sát các cơ quan tư pháp, Ban Thường vụ huyện, thị, thành ủy trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp và khắc phục khuyết điểm, hạn chế. Chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đẩy mạnh các hoạt động tham gia giám sát, tăng cường công tác nắm bắt tình hình tâm tư nguyện vọng của nhân dân, các dư luận xã hội để kịp thời chỉ đạo xử lý kịp thời các dấu hiệu, hành vi vi phạm, sai trái trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp. Thường xuyên chỉ đạo triển khai, kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở theo tinh thần Pháp lệnh 34 /2007/PL-UBTVQH11, ngày 01/7/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17/04/2008 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hướng dẫn thi hành các Điều 11, 14, 16, 22, 26 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Theo đó, đã thường xuyên chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã triển khai thực hiện tốt công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; đặc biệt chú trọng các dự án luật có liên quan trực tiếp tới quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức bộ máy nhà nước và của MTTQ Việt Nam. Trong những năm qua, Ban Thường trưc Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham gia góp ý vào các Dự án Luật như: Luật Đo đạc, Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, Luật Đặc xá (sửa đổi), Luật Bưu chính viễn thông; Luật thuế bảo vệ môi trường; Luật Khiếu nại; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự; Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi); Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Luật hòa giải... do Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận tổ chức. Ngoài việc tham gia góp ý các dự án Luật, chủ trương, chính sách. Trong 15 năm qua, thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy; Kế hoạch của HĐND tỉnh; Kế hoạch của UBND tỉnh. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành Kế hoạch và tổ chức các Hội nghị quán triệt triển khai các văn bản của Trung ương, của tỉnh và Hội nghị góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; lấy ý kiến dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) cho hơn 424 đại biểu là cán bộ, công nhân viên chức, các tổ chức thành viên, các chức sắc tôn giáo, dân tộc, người tiêu biểu, nhân sĩ, trí thức và nhân dân với 438 lượt ý kiến góp ý. Đồng thời, tham gia góp ý bằng văn bản các dự thảo Tờ Trình, Quyết định của UBND tỉnh; dự thảo Tờ Trình đề nghị xây dựng Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh; các văn bản Quy phạm pháp luật trước khi HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh ban hành…

Trong những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên trong tỉnh bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp như: Họp dân, tổ chức hội thi văn nghệ, thể thao, qua hệ thống loa phát thanh, băng rôn, áp phích, cờ phướn, biểu ngữ... đã tổ chức tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với việc tổ chức kỷ niệm các ngày lễ, kỷ niệm của quê hương, đất nước; tập trung tuyên truyền về Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; Luật hòa giải ở cơ sở, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và các luật, pháp lệnh mới ban hành và có hiệu lực; các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương có tác động liên quan trực tiếp đến người dân; các Chủ trương, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị và Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020... Đồng thời, phối hợp tổ chức giới thiệu, phổ biến sâu rộng chủ trương, quan điểm, những nội dung cơ bản của các dự án luật mỗi khi được thông qua; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng; về chủ quyền biển đảo của Việt Nam; phòng chống tội phạm, ma tuý... Kết quả đã tổ chức tuyên truyền hơn 14.936 cuộc với khoảng 983.392 lượt người tham dự; phối hợp với ngành Tư pháp cùng cấp cung cấp hơn 40.620 tờ rơi, tờ gấp, tài liệu liên quan đến các Luật hiện hành đến cán bộ công chức, người lao động và nhân dân…

Ngoài ra, chỉ đạo phối hợp với Sở Tư pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư thông qua Đề án 02-212 bằng các hình thức như xây dựng câu lạc bộ pháp luật, hỗ trợ tủ sách pháp luật, tập huấn các chuyên đề về pháp luật; phối hợp với các tổ chức thành viên, các ngành liên quan tổ chức xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm, các nhóm nòng cốt về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư, xây dựng các mô hình điểm “khu dân cư phòng chống tội phạm, ma túy”, "khu dân cư không có ma túy" mô hình "ánh sáng an ninh", “khu dân cư bảo vệ môi trường”, “khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, “Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng hoạt động hiệu quả”… Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 59 “nhóm nòng cốt”, 78  “câu lạc bộ pháp luật”, 170 khu dân cư có “kệ sách pháp luật” nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ và điều kiện thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật.

Theo đó, hằng năm Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận, Hội đồng nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa đất đai đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; giám sát việc thực hiện chương trình 135 (Giai đoạn II) tại Trường PT Dân tộc nội trú Tỉnh và các trường PT nội trú Hàm Thuận, Bắc Bình; giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và các ngành có liên quan kiểm tra, kiểm sát trực tiếp việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp tại các phòng, ban của Công an tỉnh, Công an các huyện, thị xã, thành phố; giám sát về tình hình hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trên lĩnh vực hình sự và công tác thụ lý, xét xử các vụ án dân sự; công tác tạm giữ, tạm giam tại các nhà tạm giữ của Công an, Tòa án nhân dân và các cơ quan thi hành án. Thông qua từng vụ việc cụ thể, đã giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp; tham gia cùng Sở Tư pháp kiểm tra việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tại các huyện, thị xã, thành phố; tham gia kiểm tra ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND và Trưởng Công an các cấp ở các huyện, thị xã, thành phố theo Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Qua giám sát, kiểm tra đã kiến nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Tại các kỳ họp HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND đã thực hiện quyền chất vấn và yêu cầu giải trình làm rõ quy trình và trình tự giải quyết các kiến nghị, phản ánh của cử tri quan tâm.

Bên cạnh việc phối hợp với Hội đồng nhân dân thực hiện công tác giám sát, hàng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cùng với các tổ chức thành viên của mình đã chủ động tham gia các hoạt động giám sát đối với cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án ở địa phương. Đồng thời, dựa trên ý kiến kiến nghị của cử tri và nắm bắt tâm tư dư luận nhân dân trong hệ thống Mặt trận, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đề xuất nội dung giám sát theo Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị xin ý kiến Cấp ủy cùng cấp. Trên tinh thần chỉ đạo, định hướng nội dung công tác giám sát của Cấp ủy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và thành lập Đoàn giám sát. Kết quả: Trong những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã giám sát 672 cuộc và kiến nghị 2.154 ý kiến đến UBND các cấp và các ngành liên quan giải quyết. Trong đó nổi bật việc Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh giám sát bồi thường thiệt hại về nhà ở cho một số hộ dân ở xã Vĩnh Tân bị ảnh hưởng do việc nổ mìn thi công nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4; giám sát Thanh tra tỉnh về giải quyết đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Hòa, thường trú khu phố Nam Thành, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam; giám sát UBND thành phố Phan Thiết, Sở  Giao thông vận tải, Trung tâm phát triển Quỹ đất tỉnh về công tác triển khai thực hiện quy chế dân chủ trong dự án đường Lê Duẩn (đoạn từ đường Lê Hồng Phong đến đường Trần Hưng Đạo), thành phố Phan Thiết; giám sát Công ty TNHH Thông Thuận trong việc thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh tại thông báo số 282/TB-UBND, ngày 16/7/2018 về giải quyết dứt điểm các nội dung còn tồn tại trong việc bồi thường, hỗ trợ, khắc phục việc ô nhiễm môi trường tại đồng muối Thông Thuận; Giám sát Sở Y tế: Trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bình Thuận....Qua giám sát đã kiến nghị với UBND tỉnh, UBND thành phố Phan thiết và các sở, ban, ngành liên quan xem xét, giải quyết.

Ngoài ra, Mặt trận và các tổ chức thành viên cấp tỉnh, huyện trong những năm qua cũng đã tiến hành hiệp thương, cử đại diện tham gia vào Hội thẩm Tòa án nhân dân cấp tỉnh 22 vị, cấp huyện 167 vị để vừa tham gia xét xử vừa giám sát các cơ quan tiến hành tố tụng; tham gia cùng Hội đồng xét duyệt đưa các đối tượng vi phạm hành chính nhiều lần, có hành vi nguy hiểm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự vào cơ sở giáo dục; trong 02 năm 2009, 2010 Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, huyện tham gia là thành viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân (đã tuyển chọn, bổ nhiệm 26 Kiểm sát viên cấp tỉnh, 59 kiểm sát viên cấp huyện) và Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân (cấp tỉnh đã tuyển trọn 08 Thẩm phán, cấp huyện 30 Thẩm phán) và đề nghị miễn nhiệm 01 Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện. Từ đó cũng đã góp phần rất quan trọng trong việc bảo đảm tính hiệu quả của công tác Mặt trận và quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia xây dựng chính quyền.

 


Các tin khác

TÀI LIỆU