TIN HOẠT ĐỘNG

Một số kết quả đạt được qua 15 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Trải qua 15 năm thực hiện (từ 2009 đến nay), Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động) đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành vi của người tiêu dùng và nhà sản xuất đối với sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt…

Việc triển khai Cuộc vận động ở tỉnh từng bước đem lại hiệu quả thiết thực có thể nói cũng nhờ công tác tuyên truyền được đẩy mạnh trong suốt thời gian qua. Từ đó kêu gọi sự tham gia hưởng ứng cũng như phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và hành vi mua sắm của người dân. Thể hiện rõ nét qua việc ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa Việt Nam và khuynh hướng chọn dùng hàng sản xuất trong nước thay cho hàng ngoại nhập ngày càng tăng… Với doanh nghiệp cũng cho thấy trách nhiệm trong sản xuất - kinh doanh, mạnh dạn đầu tư và ứng dụng công nghệ hiện đại hướng tới nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, đảm bảo giá cả phù hợp cho sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, tín nhiệm của người tiêu dùng. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh phối hợp tổ chức tuyên truyền, kết hợp thực hiện Cuộc vận động với các phong trào thi đua yêu nước. Chỉ riêng giai đoạn 2019 - 2024 công tác triển khai, tuyên truyền về Cuộc vận động tăng gần 85% so với giai đoạn 2014 - 2019. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức khảo sát ở 02 huyện Tuy Phong và Đức Linh, kết quả khảo sát có 96,7% ý kiến chọn hàng hóa sản xuất trong nước; 85,7% ý kiến đánh giá chất lượng, mẫu mã, chủng loại hàng hóa sản xuất trong nước không kém hàng ngoại nhập, giá cả phù hợp với thu nhập. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động; kịp thời đấu tranh, phản bác các thông tin sai sự thật, quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện Cuộc vận động, gây cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Ban Dân vận Tỉnh ủy chỉ đạo hệ thống Ban Dân vận các cấp tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động thông qua phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh chỉ đạo cấp ủy các chi, đảng bộ cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện Cuộc vận động; chỉ đạo các cấp ủy cơ sở phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, lãnh đạo doanh nghiệp kịp thời nắm thông tin, dư luận xã hội ở cơ sở; định hướng dư luận, ngăn chặn các tin đồn thất thiệt liên quan đến giá cả, sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Sở Công Thương tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp Việt. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tuyên truyền Cuộc vận động gắn với các hoạt động thông tin, xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh truyền thông Chương trình mỗi xã một sản phẩm, xây dựng phóng sự truyền hình “Bình Thuận hướng đến sản phẩm OCOP tích hợp đa giá trị, gắn kết phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch”. Sở Y tế triển khai thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Sở Giáo dục và Đào tạo hưởng ứng Cuộc vận động gắn với các phong trào thi đua yêu nước của ngành, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên. Sở Khoa học và Công nghệ tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các chủ trương, chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ; hướng dẫn đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; từng bước xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của tỉnh. Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tuyên truyền Cuộc vận động gắn với các phong trào thi đua của tổ chức mình như phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, “Cựu chiến binh gương mẫu”, mô hình “Tổ phụ nữ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Thuận duy trì hoạt động chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam”, thực hiện các chuyên đề tuyên truyền hưởng ứng Cuộc vận động trên sóng phát thanh, truyền hình và trên hạ tầng số của đài.  

Song song với công tác tuyên truyền, việc hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh, phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng Việt cũng được địa phương và sở, ban, ngành chức năng thực hiện bằng đa dạng hình thức. Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách quản lý về khoa học công nghệ, nhất là các chính sách tạo môi trường thuận lợi về kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh hoặc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ… Sở Công Thương phối hợp thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đề án khuyến công quốc gia và của tỉnh về hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm đưa các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi đoàn viên và người lao động. Hội Liêp hiêp Phụ nữ tỉnh phối hợp tổ chức các hoạt động tập huấn hướng dẫn kiến thức khởi nghiệp, kinh doanh.

Đồng hành cùng hàng Việt, các đơn vị chức năng cũng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh; hướng đến tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm lợi thế, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của địa phương đến người tiêu dùng; hỗ trợ tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh và chương trình xúc tiến thương mại quốc gia... Sở Công Thương đã phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh và các địa phương tổ chức 56 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; hỗ trợ xây dựng 11 Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ  hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xác lập quyền sở hữu công nghiệp, cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” cho 95 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho 89 lượt tổ chức sản xuất kinh doanh thanh long; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm như “Ớt chim Bình Thạnh”, “Mủ trôm Tuy Phong”, “Bánh tráng Chợ Lầu”, “Nhãn xuồng cơm vàng Thắng Hải”, “Gạo Tánh Linh”...

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như công tác tuyên truyền về Cuộc vận động có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, liên tục; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, kém chất lượng tuy đã được triển khai thường xuyên nhưng vẫn còn tình trạng hàng giả, kém chất lượng lưu hành trên thị trường đã ảnh hưởng đến uy tín hàng Việt có chất lượng, làm giảm niềm tin của Nhân dân; sự cạnh tranh của các các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong tỉnh còn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, giá thành cao; công tác phối hợp giữa các các thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh chưa thật sự nhịp nhàng, có tổ chức thành viên có lúc chưa thể hiện hết vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện Cuộc vận động; các địa phương trong tỉnh chưa kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện Cuộc vận động....

Trong thời gian đến để đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng Cuộc vận động trong tình hình mới Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh chỉ đạo các thành viên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Cuộc vận động; tuyên truyền ý nghĩa, vai trò to lớn, kết quả thực hiện Cuộc vận động trong 15 năm qua ở địa phương, đơn vị; tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, đội ngũ báo cáo viên của tỉnh tích cực tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động gắn với công tác nắm bắt dư luận xã hội về xu hướng tiêu dùng hàng hóa Việt Nam; Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện Cuộc vận động lồng ghép với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và các phong trào thi đua yêu nước của các tổ chức để tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, lan tỏa đến các tầng lớp Nhân dân. Bên cạnh đó, tổ chức các hội chợ, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước, trong tỉnh nhằm quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lương...


Các tin khác

TÀI LIỆU