TIN HOẠT ĐỘNG

MTTQ huyện Phú Quý phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội trong tình hình mới

Năm 2023, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Phú Quý xác định: tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong huyện về đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Qua đó, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Nhận thức đúng tầm quan trọng của việc giám sát và phản biện xã hội. Trong những năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện đã vận động Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố hệ thống chính trị các cấp trong huyện ngày càng vững mạnh. Đồng thời, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với tổ chức đảng và cơ quan chính quyền, giám sát cán bộ, đảng viên, các đại biểu dân cử, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương; Tích cực tham gia chống tham nhũng, lãng phí làm cho tổ chức đảng và bộ máy chính quyền các cấp trong huyện thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là của dân và vì dân. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Quý đã tổ chức lấy ý kiến góp ý 12 dự thảo văn bản do các cơ quan đảng, chính quyền huyện đề nghị; phối hợp với các tổ chức thành viên tích cực tham gia góp ý được trên 30 dự thảo các văn bản liên đến kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

 Thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Mặt trận đã phối hợp với các cấp chính quyền tổ chức các diễn đàn đối thoại, gặp mặt, tiếp xúc, trao đổi, tạo môi trường thuận lợi để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia ý kiến và kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền; đặc biệt là tham gia giám sát việc thực thi công vụ và đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân với Đảng, Nhà nước để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, góp phần giải quyết dứt điểm những bức xúc mà Nhân dân quan tâm. Tích cực nâng cao chất lượng góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các dự thảo văn bản do các cơ quan Đảng, chính quyền yêu cầu.

Để thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Trọng - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Quý đề nghị: Năm 2023, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận cần tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội, nhất là cơ sở; chú ý lựa chọn chuyên đề, nội dung, hình thức giám sát và phản biện xã hội thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương như: Giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, những vấn đề dư luận Nhân dân quan tâm, bức xúc;... Sau giám sát, kịp thời kiến nghị và theo dõi kết quả thực hiện; đồng thời, quan tâm hướng dẫn, phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại đó là: công tác giám sát và phản biện vẫn còn nhiều mặt hạn chế, như:; trong quá trình giám sát vẫn còn tình trạng nể nang, ngại va chạm, nhất là đối tượng giám sát UBND các cấp; việc theo dõi kết quả khắc phục những hạn chế sau giám sát chưa được thường xuyên quan tâm. Công tác phản biện xã hội chưa thật sự rõ nét, chủ yếu tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản do cấp ủy, Ủy ban nhân dân và các ngành gửi lấy ý kiến hoặc nêu chính kiến tại các cuộc họp, hội nghị.

Để khắc phục những hạn chế trên thì công tác giám sát và phản biện xã hội trong thời gian tới cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau:

Một là, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong huyện tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó với vai trò giám sát của mình, khuyến khích người dân phản ảnh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, đoàn kết, gần gũi với nhân dân, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân để có thể phản ảnh, tố giác tội phạm, tham nhũng, tố giác cán bộ có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân.

Hai là, Phải có kế hoạch dài hạn và từng giai đoạn, trước mắt nên lựa chọn những vấn đề phù hợp, thiết thực với đời sống, những vấn đề bức xúc mà nhân dân đang quan tâm để thực hiện trước. Đề ra chương trình, kế hoạch, nội dung giám sát và phản biện xã hội cụ thể, báo cáo cấp ủy và chính quyền cùng cấp trước khi triển khai để được hỗ trợ và tạo điều kiện thực hiện.

Ba là, Coi việc giám sát và phản biện xã hội là công tác của toàn dân, ai cũng có trách nhiệm giám sát và phản biện xã hội. Nhưng phải có sự phân công cụ thể, ai là chủ thể trực tiếp tổ chức giám sát và phản biện xã hội, tránh phân công chung chung dễ xảy ra tình trạng trùng lắp nội dung hoặc có những việc không tổ chức nào thực hiện.

Sau cùng, Mọi thông tin về những việc cần giám sát và phản biện xã hội phải được minh bạch và công khai. Cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp trong huyện cần biểu dương, khích lệ những người làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội và có cơ chế bảo vệ những người trung thực, thẳng thắn trong đấu tranh Đồng thời, đội ngũ cán bộ được phân công tham gia giám sát phải có kiến thức nhất định về chuyên môn và bản lĩnh chính tri. Có như vậy công việc giám sát và phản biện xã hội mới có hiệu quả, góp phần làm lành mạnh các hoạt động xã hội, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân, đồng thời góp phần xây dựng bộ máy chính quyền địa phương thật sự trong sạch vững mạnh.


Các tin khác

TÀI LIỆU