TIN HOẠT ĐỘNG

Một số kết quả đạt được về công tác Mặt trận trong vận động phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Chăm trên địa bàn tỉnh.

Bình Thuận có 34 thành phần dân tộc thiểu số, với 24.187 hộ/101.733 khẩu (chiếm trên 8% dân số của tỉnh). Đồng bào dân tộc Chăm là một trong những dân tộc thiểu số có số dân đông nhất, với 9.041 hộ/39.656 khẩu, chiếm 3,12% dân số toàn tỉnh và chiếm 38,98% so với các dân tộc thiểu số, tập trung chủ yếu ở 4 thuần và 9 thôn xen ghép thuộc 6/10 huyện, thị, thành phố của tỉnh. Trong đó, huyện Bắc Bình với 5.138 hộ/22.713 khẩu, chiếm 57,28% so với tổng số dân tộc Chăm toàn tỉnh. 

Đ/c Bố Thị Xuân Linh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng quà cho đồng bào Chăm Thôn Phò Trì, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân

Trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm theo dõi, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các sở, ngành, các địa phương có đồng bào Chăm tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện và định kỳ sơ kết, tổng kết các chủ trương, chính sách lớn của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới . Hàng năm, nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết Ramưwan, Tết Katê và các lễ hội lớn của đồng bào Chăm, tỉnh và các huyện đều thành lập các đoàn đến thăm hỏi, động viên các xã, thôn, các gia đình cách mạng, các chức sắc, người có uy tín, cốt cán đồng bào Chăm, góp phần củng cố, tạo thêm niềm tin của đồng bào Chăm đối với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương.

*Về kinh tế: Kinh tế các xã vùng đồng bào Chăm tiếp tục có những bước phát triển theo hướng bền vững, các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư nhiều hơn. Đã cấp 1.567 ha đất sản xuất cho 1.439 hộ đồng bào Chăm, nâng tổng diện tích đất sản xuất lên 5.300,38 ha, bình quân 0,86 ha/hộ (trong đó, sản xuất lúa nước trên 3.000 ha); giao cho 182 hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ 7.085 ha rừng, thu nhập bình quân 7,6 triệu đồng/năm/hộ (200.000đồng/ ha/ năm); giải quyết cho 1.423 hộ vay 9.449,43 triệu đồng mua 1.878 con bò cái sinh sản. Sản xuất nông nghiệp của đồng bào Chăm phát triển khá, sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt từ 550 - 600kg/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến đầu năm 2020 hộ nghèo vùng đồng bào chăm chiếm 3,37% (theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020). Phong trào xây dựng nông thôn mới tại 04 xã thuần Chăm đạt kết quả khả quan, có 03/04 xã thuần đồng bào Chăm đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, gồm: xã Phan Thanh (năm 2016), xã Phan Hòa, xã Phan Hiệp (năm 2017).

*Về Văn hóa – xã hội: Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội vùng đồng bào Chăm có nhiều tiến bộ; 04 xã thuần đồng bào Chăm đều có trạm y tế, có bác sỹ, y sĩ sản nhi, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh ban đầu và điều trị bệnh thông thường cho nhân dân tuyến xã. Cơ sở vật chất giáo dục cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học; nhiều học sinh người Chăm theo học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú; 04 xã thuần đồng bào Chăm đều có trường tiểu học, trung học cơ sở, bình quân các năm học, học sinh tiểu học có trên 8.500 em, trung học cơ sở trên 3.400 em, trung học phổ thông trên 700 em. Công tác dạy chữ Chăm truyền thống tiếp tục được duy trì ở 12 trường tiểu học với 129 lớp/3.175 học sinh tại 03 huyện: Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc; có 316 giáo viên người Chăm có trình độ trung cấp trở lên tham gia giảng dạy. Các giá trị di sản văn hóa của đồng bào Chăm được bảo tồn và phát huy ; tỉnh đã đầu tư xây dựng Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm tại huyện Bắc Bình vào năm 2010 với tổng kinh phí trên 18 tỷ đồng; tiếp tục đầu tư tôn tạo 04 di tích lịch sử Chăm gồm: Tháp Pô Dam (huyện Tuy Phong), Đền thờ Pô Nít, Đền thờ Pôklong Mơhnai (huyện Bắc Bình) và Tháp Pôsah Inư (thành phố Phan Thiết) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận di tích Quốc gia.

*Về tình hình an ninh - trật tự: Tình hình an ninh chính trị, trật tư an toàn xã hội trong vùng đồng bào Chăm được duy trì ổn định; đa số đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân vùng đồng bào Chăm trong tỉnh tuyệt đối tin tưởng vào Đảng và Nhà nước. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên quan tâm công tác giáo dục, chính trị tư tưởng, nâng cao ý thức cách mạng cho đội ngũ đảng viên, cán bộ và nhân dân vùng đồng bào Chăm về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo. Thông qua các đợt sinh hoạt chính trị, đảng viên, cán bộ và nhân dân vùng đồng bào Chăm nhận thức sâu sắc hơn về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồng thời xác định rõ trách nhiệm trong việc tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tích cực tham gia phòng trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thường xuyên đề cao ý thức cảnh giác, đấu tranh chống mọi thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT

TÀI LIỆU