TIN HOẠT ĐỘNG

Hàm Thuận Bắc: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Để thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc, hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã ban hành các văn bản về việc đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động, triển khai, quán triệt một số văn bản của cấp trên như: Thông báo số 264-TB/TƯ, ngày 31/7/2009 kết luận tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Kết luận 107-KL/TW, ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động không chỉ vận động người tiêu dùng sử dụng sản phẩm Việt mà còn làm ra những sản phẩm Việt chất lượng cao để cung ứng cho thị trường, như thanh long sạch, rau sạch của các hợp tác xã thanh long, rau sạch theo tiêu chuẩn Vietgap ...

Doanh nghiệp hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (ảnh nguồn internet).

Ủy ban MTTQ Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan vận động các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn tham gia các hội chợ triển lãm tại tỉnh, huyện, các phiên chờ hàng Việt với các mặt hàng như rượu vang thanh long, trái cây hữu cơ (thanh long, bưởi, bơ, cam), nấm, rau sạch, …. và đã thu hút một lượng mua sắm lên đến hàng chục nghìn lượt người. Mặt khác, nhiều mặt hàng của địa phương đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường về mẫu mã, chất lượng và giá cả như mộc mỹ nghệ, sản phẩm gỗ, sản phẩm chế biến từ nông sản như: Thanh Long, nấm, rau xanh, bánh tráng,… Nếu như trước đây, lượng hàng hóa Việt còn khan hiếm, nhất là dịp Tết cổ truyền thì nay, ngoài các chợ lớn, các siêu thị còn có hệ thống các chợ xã, chợ thôn, các hàng tạp hóa được tiếp thị cung ứng hàng hóa, nhất là hàng bình ổn giá, hàng Việt Nam chất lượng cao… đã được cung ứng đầy đủ. Chính nhờ vậy mà hàng chất lượng kém, hàng nhái từng bước bị đầy lùi. Qua thực hiện Cuộc vận động, nhận thức của người dân cũng đã thay đổi, không còn tâm lý ưa chuộng hàng ngoại như trước; hiện nay đa số người dân sinh sống trên địa bàn huyện đều mua sắm và sử dụng hàng hóa Việt Nam. Với kết quả đó có thể khẳng định Cuộc vận động đã chính thức tác động sâu rộng vào đời sống xã hội đóng góp tích cực vào sự phát triển của kinh tế, xã hội của huyện, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa thương hiệu Việt và phát triển thị trường nội địa.

Tuy nhiên, việc triển khai Cuộc vận động vẫn còn nhiều hạn chế và gặp khó khăn, thách thức như công tác tuyên truyền về Cuộc vận động vẫn còn hình thức, nhận thức của các doanh nghiệp về công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, xây dựng niềm tin trong nhân dân về nhãn hàng của doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; Công tác quản lý nhà nước của ngành chức năng về phối hợp đấu tranh chống gian lận thương mại, phòng chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng mất an toàn vệ sinh thực phẩm chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ, nên hạn chế trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm; Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ tác động không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và nhân dân. Người tiêu dùng có quá nhiều sự lựa chọn, do đó đòi hỏi hàng hóa Việt phải có thương hiệu, phải bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh, chất lượng cao, giá thành hạ, tính cạnh tranh lớn, chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường trong nước, thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.

Đưa hàng Việt về nông thôn phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa (ảnh nguồn internet).

Trong thời gian đến, để tiếp tục nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, MTTQ Việt Nam các cấp cần phải phối hợp với các tổ chức thành viên, các ngành liên quan thực hiện một số nội dung: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt các nội dung về Cuộc vận động trên các trang mạng xã hội, trên các loa truyền thanh tại địa phương, thông qua các buổi sinh hoạt của các tổ chức thành viên và trong các buổi họp dân tại các ban điều hành thôm, khu phố; Tăng cường tuyên truyền, quảng bá về các mô hình, điển hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu, các sản phẩm đặc trưng của từng vùng, miền tại địa phương để tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân; Các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền về các mô hình, điển hình sản xuất kinh doanh giỏi, các sản phẩm do đoàn viên, hội viên sản xuất trên các diễn đàn và phương tiện truyền thông; Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu các giải pháp phù hợp để gắn sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc trưng của địa phương như hàng thủy sản, nông sản, mộc mỹ nghệ, hàng lưu niệm với các hoạt động phát triển du lịch, tạo điểm mua sắm, điểm đến mới cho du khách, góp phần quảng bá các sản phẩm đến du khách trong và ngoài nước; Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất về thủ tục pháp lý các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tham mưu các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về hồ sơ pháp lý chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn mác, chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm địa phương. Trên cơ sơ đó các sản phẩm có chất lượng của địa phương có điều kiện thâm nhập vào hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị lớn trong và ngoài nước; Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong triển khai thực hiện Cuộc vận động, nhất là công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát chất lượng, giá cả, an toàn vệ sinh thực phẩm của hàng hóa trên thị trường; Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật, buôn bán, tàng trữ hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc trên địa bàn huyện nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của các doanh nghiệp, nhà sản xuất hàng nội địa.


Các tin khác

TÀI LIỆU