TIN MỚI NHẤT

Một số kinh nghiệm trong thực hiện chính sách dân tộc và công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín ở cơ sở

Bình Thuận là tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, có diện tích tự nhiên 7.943,93 km2, gồm 10 huyện, thị xã, thành phố với 124 xã, phường, thị trấn; Có 9 xã khu vực III, 27 xã khu vực II, 44 xã khu vực I; 04 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Tổng dân số 289.685 hộ/1.271.136 khẩu; có 34 thành phần là đồng bào dân tộc thiểu số với 21.276 hộ/96.346 khẩu (chiếm 8% dân số của tỉnh). Các dân tộc thiểu số cư trú đều khắp các địa bàn trong tỉnh; mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội riêng, rất phong phú và đa dạng trong nền văn hóa của tỉnh nhà.

Trong những năm qua, bằng các chương trình, dự án, các chế độ chính sách của Trung ương, tỉnh Bình Thuận luôn ưu tiên các nguồn lực và ban hành các chính sách đặc thù riêng của tỉnh để đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, như: Nghị quyết 04-NQ/TU về phát triển toàn dân dân sinh kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); Nghị quyết 05- NQ/TU về xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số và huyện đảo Phú Quý; Quyết định số 05/QĐ-UBND về thực hiện chính sách đầu tư ứng trước cho đồng bào DTTS…Từ những chủ trương, chính sách trên, đến nay vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có những tiến bộ rõ nét. Cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống đáp ứng nhu cầu phát triển. Công tác giáo dục phát triển mạnh cả ba cấp học. Việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào được chú ý, các chương trình y tế quốc gia được triển khai sâu rộng. Bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc được giữ gìn, phát huy. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được nâng lên. Những kết quả trên, có một phần đóng góp không nhỏ của Người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện tốt các chủ trương, chính sách và các phong trào tại địa phương.

Xác định muốn thành công trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, ngoài việc lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo, quản lý điều hành của chính quyền, sự phối, kết hợp đồng bộ của các ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể thì vai trò của Người có uy tín có yếu tố rất quan trọng. Vì họ không chỉ đồng điệu trong ngôn ngữ, mà còn am hiểu về tín ngưỡng, phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của dân tộc mình; có kinh nghiệm thực tiễn trong cuộc sống để tham gia giải quyết thành công nhiều vấn đề phát sinh mâu thuẩn trong xóm làng thông qua việc làm và uy tín của mình.

Từ mục tiêu, quan điểm trên. Trên cơ sở Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg (nay là Quyết định 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ). Tỉnh Bình Thuận đã ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức bình xét Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS đảm bảo theo điều kiện, tiêu chí quy định. Tính đến năm 2021, đã bình xét 89 người/10 thành phần dân tộc thuộc 8/10 huyện, thị và thành phố. Tuy xuất phát từ nhiều thành phần, ngành nghề, tuổi tác và đảm đương các chức vụ, chức việc khác nhau, như: Bí thư chi bộ, trưởng thôn, chức sắc tôn giáo, già làng, tộc trưởng, trưởng thôn, hưu trí, nhân sĩ trí thức, doanh nghiệp... nhưng họ đều có một điểm chung là tâm huyết và tích cực đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương. Thông qua vai trò của họ, đã giúp cho cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp đúc kết thêm nhiều bài học kinh nghiệm và nhận thức sâu sắc hơn trong việc đổi mới phương thức tập hợp quần chúng, để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay. Và thực tế, tại tỉnh Bình Thuận nhiều Người có uy tín thật sự tiêu biểu, trở thành lực lượng nòng cốt, bằng hành động, việc làm cụ thể để làm gương và được nhân dân đồng tình ủng hộ, học hỏi, làm theo trên các lĩnh vực, cụ thể:

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới: Họ là người luôn tích cực vận động và giúp đỡ nhân dân ở địa phương tự lực vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình; mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa các giống mới có năng suất cao vào sản xuất; xây dựng các mô hình kinh tế trang trại để tăng thu nhập cao. Trên thực tế, hiện nay nhiều hộ đồng bào dân tộc và gia đình người có uy tín đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, thành lập trang trại sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh hàng hóa, nhiều mô hình sản xuất – kinh doanh được nhân rộng để các hộ đồng bào học tập, trao đổi.

Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc: Họ đã chủ động phối hợp và đề xuất với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể quan tâm xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở để từng bước phát huy hiệu quả hoạt động, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Đặc biệt, trong Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, đại hội Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, huyện, Ban Chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân đã giới thiệu nhiều Người có uy tín tiêu biểu để tham gia ứng cử.

Trên lĩnh vực giữ gìn an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội: Họ nắm bắt kịp thời các thông tin về tình hình an ninh trật tự xã hội để báo cáo các cấp, ngành xem xét, giải quyết. Đặc biệt, các mô hình: “Cơ sở thờ tự với phong trào giữ gìn an ninh trật tự”; mô hình “bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”; mô hình “tủ sách pháp luật”; mô hình “An ninh tự quản, tự phòng” trong vùng đồng bào DTTS đã phát huy hiệu quả góp phần ngăn chặn kịp thời những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.

Công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc: Họ thường xuyên tuyên truyền việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, phát triển và bảo tồn làng nghề truyền thống, giữ gìn tiếng nói, chữ viết, lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Đến nay, việc tổ chức cưới, hỏi được thực hiện theo quy định pháp luật. Hầu hết nam nữ thanh niên dân tộc đăng ký kết hôn đúng độ tuổi, hiện không còn tệ thách cưới; Việc tang lễ  trong đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều tiến bộ; đồng bào Chăm Hồi giáo Bani chỉ để 1 ngày đêm (trước kia phải để 1 tuần). Đối với người Chăm Bà La Môn đám thiêu không để quá 4 ngày (trước kia từ 7 – 10 ngày); một số vùng khác, đám tang được thực hiện theo quy ước của làng đề ra...

Song song, để động viên, hỗ trợ vật chất và tinh thần, tranh thủ nắm bắt những thông tin, kiến nghị, đề xuất của nhân dân thông qua người có uy tín, tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các ngành, các cấp, Mặt trận, các đoàn thể thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có uy tín, cụ thể: Hàng năm, nhân dịp lễ, tết cổ truyền của dân tộc đều tổ chức thăm, chúc tết để động viên tinh thần. Tổ chức các cuộc mít tinh, tọa đàm, nói chuyện thời sự và tiếp xúc với lãnh đạo các cấp; tổ chức các hội nghị gặp mặt, biểu dương các chức sắc, nhân sĩ, người uy tín tiêu biểu...

Thực tế đã khẳng định, Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc tại tỉnh Bình Thuận là lực lượng nòng cốt, là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, có nhiều đóng góp thiết thực trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.


Các tin khác

TÀI LIỆU