Hoạt động của các tôn giáo trong tỉnh diễn biến bình thường theo phạm vi khuôn khổ luật pháp; các chức sắc, tín đồ các tôn giáo đồng thuận trước việc Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách thể hiện sự tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Các cấp Chính quyền trong tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt chính đáng của đồng bào có đạo bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế - xã hội; làm cho các chức sắc, tín đồ yên tâm hành đạo, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân theo phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần xây dựng quê hương đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị an toàn xã hội ở địa phương. Ở lĩnh vực giáo dục xã hội, các tổ chức tôn giáo rất quan tâm đầu tư, trong đó có giáo dục mầm non, nhất là tổ chức Công giáo, xem đây là việc làm cụ thể, thiết thực nuôi dưỡng, chăm sóc góp phần nâng tỉ lệ trẻ trong độ tuổi ra lớp ngày càng cao và đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh. Thực tiễn trên địa bàn tỉnh, ngoài các cơ sở giáo dục mầm non công lập, còn có hệ thống trường học mầm non ngoài công lập gắn liền các cơ sở thờ tự của tôn giáo: nhà thờ, tu viện, các dòng tu, các chùa, tịnh xá…tại đây các cháu trong các nhóm trẻ, trường mầm non, trường mẫu giáo thường được các tu sĩ nữ (Công giáo) , tu sĩ nam, nữ (Phật giáo) trông nom, đứng lớp. Hiện tại địa bàn toàn tỉnh có 178 trường mầm non, mẫu giáo ở 127 xã phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố; trong đó có 64 cơ sở giáo dục mầm non tôn giáo ( Công giáo 43, Phật giáo 8), với 13 trường, 167 nhóm lớp ( 39 nhóm trẻ và 128 lớp mẫu giáo); với 889 số trẻ ở nhà trẻ và 4.449 số trẻ ở mẫu giáo. Cụ thể ở 13 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thuộc các tôn giáo: Công giáo có: 02 trường mẫu giáo (Bắc Bình, Đức Linh); 11 trường mầm non ( La Gi: 05, Phan Thiết: 03, Hàm Thuận Bắc: 01, Đức Linh: 02) do các tu sĩ nữ phụ trách. Về Phật giáo, toàn tỉnh có 08 cơ sở thờ tự (La Gi: 06, Hàm Tân: 02) là cơ sở nuôi trẻ mẫu giáo bán trú, trẻ mồ côi và khuyết tật, lớp học tình thương do tăng, ni, phật tử đảm trách.
Giáo dục mầm non là bộ phận trong hệ thống giáo dục quốc dân, là bậc học đầu tiên của hệ thống giáo dục, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của nhân cách con người. Giáo dục mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi nhằm giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một. Nhận thức được điều này, các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận các cấp luôn coi trọng giáo dục mầm non, chăm lo phát triển giáo dục mầm non là trách nhiệm chung của các cấp chính quyền, của mỗi ngành, gia đình, xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước.
Với vai trò, vị trí của mình, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh và thông qua Ban Trị sự Phật giáo, Ban Giáo dục Tăng, Ni trực thuộc tổ chức giáo hội thực hiện hoạt động giáo dục nói chung là không chỉ là giáo dục Tăng, ni trong nội bộ Phật giáo mà còn quan tâm đến việc giáo dục mầm non, hướng dẫn, vận động các vị trụ trì, các vị cư sĩ phật tử ở một số cơ sở thờ tự trong việc nuôi dạy trẻ chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, tham gia tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận và ngành giáo dục triển khai. Đối với Công giáo, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh phối hợp với ngành Giáo dục ở từng cấp, cụ thể là Phòng Giáo dục & Đà̀o tạo các huyện, thị xã, thành phố, hướng dẫn các chức sắc ở các giáo xứ, các dòng tu, các tu sĩ nữ ở các nhà trẻ, lớp mẫu giáo thực hiện việc dạy và học theo quy định của Nhà nước, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ; trường lớp, phòng học, công trình vệ sinh, nước sạch nơi các cháu học hành vui chơi phải đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ.
Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với ngành giáo dục và các cơ quan chức năng của địa phương thông qua phòng Giáo dục & Đào tạo huyện, cùng với các trường mẫu giáo công lập trên địa bàn phường xã, thị trấn hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non tại địa phương theo Luật Giáo dục, như: chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, thu hút nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non, thực hiện nghiêm túc quy định về chuyên môn, tổ chức quản lý tốt trẻ em, quan tâm, giúp đỡ trẻ có hoàn cảnh khó khăn; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ; đảm bảo đủ số lượng phòng học, công trình vệ sinh, nước sạch đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ; đảm bảo chế độ chính sách cho giáo viên mầm non; tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận, ngành Giáo dục và các ban, ngành, đoàn thể phát động, triển khai, góp phần tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.