TIN HOẠT ĐỘNG

DỰ HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN SƠ KẾT 5 NĂM VỀ THỰC HIỆN QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG VÀ ĐẢNG ĐOÀN MTTQ VIỆT NAM

Đảng đoàn MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Nội chính Trung ương vừa  tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác và thống nhất triển khai các nội dung trọng tâm trong thời gian tới.

Tại điểm cầu Trung ương, ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, chủ trì.

Tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận, bà Bố Thị Xuân Linh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, ông Nguyễn Văn Tám, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, chủ trì.

Quang cảnh điểm cầu Trung ương
Quang cảnh điểm cầu tỉnh Bình Thuận

Trong 5 năm qua, Quy chế phối hợp đã phát huy hiệu quả, nổi rõ đó là việc hai bên đã phối hợp tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hai bên chỉ đạo nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về nội chính, phòng chống tham nhũng và phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, góp phần tích cực, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước; phối hợp giám sát công tác phòng chống tham nhũng ở một số địa phương, lĩnh vực, phát hiện nhiều sai phạm, kiến nghị xử lý và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Ban Nội chính Trung ương triển khai nhiều chương trình giám sát liên quan trực tiếp tới những vấn đề mà dư luận và nhân dân quan tâm, những vụ việc, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, phiền hà, sách nhiễu đối với người dân và doanh nghiệp…. Qua giám sát đã phát hiện nhiều tồn tại hạn chế, khó khăn, vướng mắc, những quy định của pháp luật còn chưa phù hợp với thực tiễn, từ đó, kiến nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng sửa đổi các quy định pháp luật và kiến nghị xử lý kịp thời các sai phạm. Thông qua giám sát tiếp tục phát huy dân chủ chủ, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Thông qua việc thực hiện Quy chế phối hợp, mối quan hệ giữa hai cơ quan, giữa các vụ, đơn vị của hai cơ quan được gần gũi, gắn bó, qua đó khẳng định xu thế, nhu cầu phối hợp giữa hai cơ quan là thực sự cần thiết”.

Kết luận hội nghị, ông Phan Đình Trạc đề nghị, hai bên cần tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp, phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân trong giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kết luận của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân. Nhất là giám sát việc nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; giám sát việc công khai, minh bạch, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giám sát trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; giám sát về giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, nhất là những vụ khiếu kiện đông người, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân…

Tại Hội nghị, đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Nội chính Đảng” cho 8 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Nội chính của Đảng; trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” cho 7 cá nhân đã có cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc./.


Các tin khác

TÀI LIỆU