TIN MỚI NHẤT

Ủy ban MTTQ tỉnh tăng cường các giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân

“Vai trò của Ủy ban MTTQ trong phối hợp với các tổ chức, cơ quan, đoàn thể để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân và các giải pháp trong thời gian tới”. Đó là chủ để phát biểu của MTTQ Việt Nam tỉnh tại buổi Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật là công việc đầu tiên của hoạt động thực thi pháp luật, là cầu nối chuyển tải pháp luật vào cuộc sống. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật là nhằm hình thành lòng tin vào pháp luật, xây dựng thói quen và ý thức tôn trọng, tuân thủ và tự giác chấp hành pháp luật cho mọi công dân nhằm phát huy vai trò, hiệu lực của pháp luật trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong bất kỳ giai đoạn nào của cách mạng, thì công tác tuyên truyền, vận động bao giờ cũng được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, mà các cấp, các ngành đều phải quan tâm thực hiện. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tốt sẽ làm chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu tại Hội thảo

Nhận thức được công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật có vị trí, vai trò quan trọng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của MTTQ tỉnh đã từng bước được đổi mới, nội dung tuyên truyền phong phú, đa dạng, dần đi vào chiều sâu, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Để nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới, theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thì cần phải tăng cường, đẩy mạnh các giải pháp sau:

Trước hết, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cần quan tâm hơn nữa đến việc tiếp tục đổi mới cách thức tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho các tầng lớp nhân dân, các đoàn viên, hội viên của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng linh hoạt, sinh động, hấp dẫn, phù hợp với đặc điểm về nhận thức, tâm lý, tập quán của từng địa phương, từng đối tượng. Trong đó cần phát huy vai trò tích cực của các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức văn hóa, nghệ thuật trong tuyên truyền, giáo dục. Hướng công tác tuyên truyền, giáo dục vào yêu cầu xây dựng khối đại đoàn kết thống nhất trong Đảng và trong nhân dân, sự đồng thuận xã hội và đề cao ý thức cộng đồng trách nhiệm. Cần cởi mở trong tiếp xúc, tìm hiểu, đối thoại với nhân dân, coi trọng công tác giáo dục, thuyết phục; phải làm cho các đoàn viên, hội viên thấy rõ lợi ích của tổ chức, của bản thân, gia đình mình trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng nông thôn mới...

Phối hợp các ngành chức năng trong việc tổ chức tuyên truyền, phát huy vai trò các chức sắc, chức việc trong đồng bào tôn giáo, dân tộc về tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng dẫn của Mặt trận Trung ương; ký kết kế hoạch phối hợp với Sở Thông tin truyền thông, Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tăng cường thông tin tuyên truyền và xây dựng chuyên mục Đại đoàn kết; tổ chức Hội thảo tuyên truyền về đổi mới công tác tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác dân vận; làm tốt việc phân công đoàn viên, hội viên phụ trách hộ, nhóm hộ, xây dựng lực lượng cốt cán ở cơ sở. Tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo phát huy quyền làm chủ và mở rộng dân chủ trực tiếp của nhân dân, thực hiện tốt vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc đối với cán bô, đảng viên nơi cư trú; kịp thời  tham mưu, đề xuất cấp ủy, Ủy ban nhân dân cùng cấp giải quyết tốt các đơn thư khiếu nại, tố cáo và những vấn đề bức xúc của nhân dân; thực hiện tốt Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo phương châm “ Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Chăm lo xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ; phân công những cán bộ có phẩm chất, năng lực tốt, có uy tín cao và có kinh nghiệm làm công tác Mặt trận; công tác vận động quần chúng. Thường xuyên tổ chức tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Bên cạnh đó, cần phối hợp với Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật cùng cấp và các tổ chức đoàn thể trong xây dựng Kế hoạch, chọn nội dung, địa điểm và phương pháp tuyên truyền cho phù hợp với trình độ hiểu biết của nhân dân ở khu dân cư… Có như vậy mới nâng cao được hiệu quả của công tác phổ biến giáo dục pháp luật và chấp hành pháp luật tại khu dân cư.

Có thể thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, là cầu nối để đưa các chính sách pháp luật đi vào cuộc sống. Để mọi người dân “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” thì mỗi người trong chúng ta hãy là một tuyên truyền viên tích cực trong phổ biến pháp luật trong cộng đồng dân cư.

 


Các tin khác

TÀI LIỆU