TIN MỚI NHẤT

CÔNG TÁC XÓA ĐÓI, GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI TỈNH BÌNH THUẬN

Bình Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, có diện tích tự nhiên 7.818 Km2, dân số 1,2 triệu người. Có 35 dân tộc anh em sinh sống; trong đó, dân tộc thiểu số có 86.100 người, chiếm tỷ lệ 7,3% dân số toàn tỉnh, nhiều nhất là dân tộc Chăm 40,3%, dân tộc Raglay 17,9%, dân tộc K'Ho 13,1%, dân tộc Hoa chiếm 11,9% dân tộc thiểu số. Đồng bào dân tộc thiểu số định cư sinh sống tập trung 17 xã thuần và 32 thôn xen ghép thuộc 8/10 huyện, thị, thành phố của tỉnh. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội riêng tạo nên tính đa dạng, đặc sắc trong sự thống nhất chung của nền văn hóa tỉnh nhà.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chăm lo cho bà con nghèo vùng DTTS tại xã Phan Điền, huyện Bắc Binh

Trước năm 2002, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh còn nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển, nhiều hộ thiếu đất sản xuất, thu nhập bấp bênh, các hoạt động văn hóa - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu,...tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp.Năm 2002, Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa X) ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU “Về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Qua 13 năm thực hiện Nghị quyết số 04- NQ/TU của Tỉnh ủy cho thấy, tình hình các mặt dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sự chuyển biến khá toàn diện; nổi rõ là: Đã giải quyết cấp hơn 4.870 ha đất sản xuất cho trên 4.180 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng tổng diện tích đất canh tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh lên 14.950 ha, bình quân mỗi hộ đạt trên 01 ha. Tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 100% lãi suất cho vay vốn để đồng bào dân tộc thiểu số phát triển chăn nuôi bò với tổng giá trị đạt trên 22 tỷ đồng, đã giải quyết cho trên 3.160 hộ vay, mua 4.680 con trâu, bò để nuôi; đến nay đàn bò phát triển tốt, nhiều hộ sau khi bán bò trả nợ vay Ngân Hàng vẫn còn từ 5 - 6 con bò để tiếp tục chăn nuôi; Ngân hàng đã thu hồi nợ đạt trên 96,5%. Tỉnh đã thực hiện giao khoán trên 86.400 ha/hộ, với mức phí hiện nay là 200.000 đồng ha/năm; nhờ đó mỗi hộ có thêm thu nhập 7,26 triệu đồng/ năm; rừng giao được quản lý, bảo vệ tốt hơn, hạn chế nạn phá rừng làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép. Gắn với đó, các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng cũng được quan tâm chỉ đạo, thông qua việc ban hành và thực hiện một số chính sách cụ thể như: hỗ trợ phát triển cây cao su vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tổ chức cung ứng trên 219.000 cây giống cho 482 hộ trồng gần 400 ha cao su, đến nay có nhiều hộ nhờ trồng cao su trở lên khá, giàu. Thực hiện đầu tư ứng trước, trợ cước vận chuyển để hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số; qua 03 năm đã đầu tư ứng trước, trợ cước vận chuyển cho gần 18.700 lượt hộ, trồng trên 34.000 ha cây lúa, cây bắp lai, với tổng kinh phí trên 80 tỷ đồng; đồng thời tổ chức thu mua được trên 34.600 tấn, với trị giá 117,5 tỷ đồng

Hệ thống kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư nhờ đó, bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi rõ rệt.Trong 10 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu vào ngân sách..., Bình Thuận đã có nhiều cố gắng, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu ở các xã miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với trên 718 công trình, kinh phí trên 805 tỷ đồng. Đến nay 100% xã miền núi, vùng cao, xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số, có trụ sở làm việc kiên cố, có đường ô tô đến trung tâm xã và các thôn, có điện sinh hoạt, trạm y tế, có đủ trường lớp từ mầm non đến trung học cơ sở, 93% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; hầu hết các xã đều có chợ, có cửa hàng xăng dầu; 16/17 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số có nhà văn hóa, hệ thống nước sinh hoạt tập trung; 9/11 xã vùng cao có nhà công vụ; 11/11 xã vùng cao có hệ thống cửa hàng, có đại lý bán lẻ (thuộc Trung tâm Dịch vụ Miền núi). Ngoài ra, nhiều đập, hồ chứa nước, trạm bơm, kênh mương thủy lợi cũng được tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn, miền núi có nhiều khởi sắc.

Sự nghiệp giáo dục, y tế được chăm lo tốt hơn, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước ổn định; hầu hết đều có ý thức nỗ lực vươn lên, đời sống được cải thiện khá rõ. Đến nay, hệ thống giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số khá hoàn chỉnh; trường lớp được đầu tư nâng cấp; đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa, chất lượng dạy và học được nâng lên; tỷ lệ học sinh các cấp đến trường ngày càng tăng, trẻ mẫu giáo đạt trên 78,5%; trẻ có 06 tuổi vào lớp 1 đạt 99,98%; học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) đạt 82,2%. Các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số được thực hiện đúng quy định, kịp thời, từ đó góp phần giảm đáng kể tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng, nâng cao chất lượng giáo dục. 05 năm Bình Thuận đã thực hiện trợ cấp cho trên 59.000 lượt em với tổng kinh phí 45,5 tỷ đồng.

Mạng lưới ý tế cơ sở tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được củng cố về tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến nay có 100% xã có trạm y tế, có 15/17 trạm y tế xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số có Bác sĩ. Công tác vệ sinh phòng dịch được duy trì, bệnh sốt rét được kiểm soát có hiệu quả. Tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng đủ 6 bệnh truyền nhiễm đạt trên 95% tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 15%; bệnh bại liệt, bệnh uống ván trẻ sơ sinh đã được thanh toán, loại trừ; tỷ lệ người tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt trên 54,47%.

Các chính sách an sinh xã hội, thực hiện xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì, triển khai thực hiện có kết quả, đời sống của đồng bào được cải thiện rõ, đã có trên 7.000 lao động được giải quyết việc làm, 100.000 lượt hộ được vay vốn tín dụng ưu đãi, 4.600 hộ nghèo được hỗ trợ giải quyết nhà ở...Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 57,4% năm 2003 xuống còn 10,88 % cuối năm 2014.

Để phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, nhằm chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số trong thời gian tới được tốt hơn: Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Tiếp tục phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất sản xuất đã cấp cho đồng bào từ những năm trước, gắn với việc triển khai đồng bộ các dự án thuộc Chương trình giảm nghèo, nhất là thực hiện cho vay vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi; kiên quyết không để đồng bào bán đất sản xuất dẫn đến tái nghèo. Tiếp tục giải quyết đất sản xuất cho đồng bào còn thiếu đất sản xuất, gắn với đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp trên từng địa bàn. Tạo điều kiện duy trì và phát huy hiệu quả công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với thực hiện chính sách hưởng lợi từ rừng cho hộ đồng bào nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng theo quy định.

Tăng cường công tác quản lý và phát huy hiệu quả các công trình đã đầu tư trên địa bàn. Đồng thời, ưu tiên các nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, nước sinh hoạt. Đẩy mạnh đầu tư ứng trước và bao tiêu 100% sản phẩm hàng hóa nông sản của đồng bào dân tộc thiểu số...gắn với xây dựng nông thôn mới. Có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến, thu mua nông sản ở miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện có kết quả các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định; tập trung triển khai các biện pháp để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học dở chừng. Đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định; chú ý công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức về phòng, chống dịch bệnh.

Đẩy mạnh thực hiện phong trào “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đi vào chiều sâu. Có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, gắn với phát triển các loại hình dịch vụ du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường xây dựng lực lượng công an, dân quân tự vệ vững mạnh;chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.

Thường xuyên chăm lo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy đúng mức vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền và chức năng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền và thực hiện có kết quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng thời, chú ý triển khai thực hiện tốt các chính sách về phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đủ sức đảm đương nhiệm vụ trong tình hình mới.


Các tin khác

TÀI LIỆU