Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình bày tóm tắt nội dung dự thảo Đề án phát triển Thanh Long trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Theo đó, dự thảo đề án đã nêu đầy đủ các nội dung như sự cần thiết để xây dựng đề án, đánh giá được tiềm năng của cây Thanh long trong tỉnh cũng như hiện trạng phát triển Thanh long trong thời gian qua; định hướng phát triển, nhiệm vụ và giải pháp phát triển phát triển Thanh Long trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 đặt ra mục tiêu cụ thể diện tích cây Thanh Long toàn tỉnh đạt 30.000 ha, năng suất bình quân 22 tấn/ha, sản lượng 660.000 tấn/năm; tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới hình thức hợp tác, liên doanh đạt 70%, áp dung quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp VietGap và tương đương đạt 80%; Global Gap đạt 10%; kim ngạch xuất khẩu chính ngạch Thanh Long tăng bình quân khoảng 5%/năm với khoảng 20 doanh nghiệp…
Tham gia ý kiến phản biện tại Hội nghị các đại biểu tập trung vào các vấn đề: Sự cần thiết việc ban hành đề án; sự phù hợp của Đề án với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực tiễn của địa phương; tính khả thi của dự thảo khi ban hành; thực trạng tình hình sản xuất cũng như tiêu thụ thanh long Bình Thuận từ đó đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp phát triển toàn diện, sát với thực trạng hơn. Đề nghị xem xét cần có giải pháp xây dựng thương hiệu chung cho “ Thanh long Việt Nam” nói chung, “ Thanh long Bình Thuận” nói riêng; có biện pháp quản lý chặt chẻ hơn nữa các loại nông dược, phân bón, giáo dục và nâng cao trách nhiệm cho các hệ thống đại lý phân bón, những người trực tiếp canh tác để đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn an toàn cho trái thanh long…
Kết luận hội nghị, đồng chí Bố Thị Xuân Linh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã đánh giá cao các ý kiến tham gia phản biện; đã ghi nhận được nhiều ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm với sự phản biện về các nội dung trong Đề án. Đồng chí đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu các ý kiến phản biện, nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn chỉnh dự thảo Đề án được phản biện để sau khi ban hành phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và có tính khả thi cao.