TIN HOẠT ĐỘNG

Phan Thiết: Đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Thời gian qua, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Cuộc vận động) tại thành phố Phan Thiết đã có nhiều ưu điểm, nhất là công tác tuyên truyền về Cuộc vận động. Qua đó, đã góp phần phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Mặt khác, làm thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất trong mua sắm, tiêu dùng ở cơ quan, đơn vị và gia đình.

Mua sắm hàng hóa Việt Nam tại siêu thị.

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố đã tham mưu cấp ủy các cấp từ thành phố đến phường, xã, các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên quán triệt mục đích, ý nghĩa và nội dung cuộc vận động đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể, địa bàn khu phố, thôn và các tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền cổ động trực quan và thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn; tuyên truyền, phổ biến các thông điệp an toàn thực phẩm tại các lễ hội, các cơ sở lưu trú du lịch và các khu, điểm du lịch có dịch vụ ăn uống. Qua đó cung cấp thông tin cho hơn 16.142 lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa cuộc vận động, gắn thực hiện cuộc vận động với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động thường xuyên của Mặt trận, đoàn thể. Thông qua công tác tuyên truyền người tiêu dùng đã có nhận thức ưu tiên mua sắm hàng Việt. Đồng thời, công khai và thông tin rộng rãi đối với các trường hợp, hành vi vi phạm pháp luật về đo lường, chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm nhằm cảnh báo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái quy định của pháp luật…Bên cạnh đó, người sản xuất đã đề cao trách nhiệm với người tiêu dùng, chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ coi trọng quảng bá sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng”, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong quá trình hội nhập quốc tế.

Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Phan Thiết cho biết, để có được kết quả Ban Chỉ đạo còn hỗ trợ người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật với 200 lượt nông dân tham gia. Hỗ trợ cơ sở Ngọc Uyên tham gia Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận năm 2020 - 2021” với sản phẩm dự thi là “Tương thanh long” và đạt giải nhất của cuộc thi, từ đó các doanh nghiệp dự thi đạt giải áp dụng vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và quảng bá sản phẩm ra bên ngoài để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Phát triển hệ thống kênh phân phối hàng Việt về nông thôn, tổ chức các hội chợ, triển lãm giới thiệu quảng bá, xây dựng thương hiệu nông sản, hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt. Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho 2 sản phẩm nước nắm Phan Thiết và thanh long Bình Thuận, với 54 cơ sở được cấp chỉ dẫn địa lý. Nhiều doanh nghiệp đăng ký sản xuất sạch như Công ty TNHH SXTM Nguyên Vỹ đăng ký “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất các mặt hàng ăn liền” và hộ kinh doanh Hoa Sen Phan Thiết đăng ký “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất nước tương” để đưa vào kế hoạch năm.

Công tác thanh tra, kiểm tra kiểm soát thị trường được thành phố Phan Thiết quan tâm. Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, thành phố Phan Thiết đã kiểm tra 19 vụ; phát hiện xử lý 6 cơ sở vi phạm gồm các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, 1 vụ buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu, 1 vụ không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 33,5 triệu đồng. Tạm giữ: 530 bao thuốc lá điếu nhập lậu các loại, tịch thu 379 sản phẩm thực phẩm (bánh, kẹo), 604 sản phẩm mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất. Phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 1 đã kiểm tra, kiểm soát 164 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các mặt hàng: lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu bao gói, đóng hộp, đóng chai… trên địa bàn. Kết quả, xử lý 46 trường hợp với các hành vi vi phạm với số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 504,408 triệu đồng.

Bên cạnh những mặt đạt được, cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian đến như Cuộc vận động dù đã triển khai sâu rộng, nhưng chưa có tính thuyết phục và đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở; hoạt động đưa hàng về nông thôn, một số doanh nghiệp còn có tư tưởng lợi dụng khuyến mãi để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn kho, hàng không có nhãn mác, thời hạn sử dụng… ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng làm giảm ý nghĩa thiết thực của cuộc vận động.

Thời gian đến, để tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng của Cuộc vận động, cả hệ thống chính trị của thành phố sẽ tiếp tục triển khai và thực hiện hiệu quả Cuộc vận động theo Thông báo Kết luận số 264 - TB/TW của Bộ Chính trị; Kết luận số 107-KL/TW, ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 03-CT/TW, 19/5/2021 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động trong tình hình mới; Công văn số 1379-CV/TU, ngày 09/01/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động. Trong đó, tập trung công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong hệ thống chính trị phải thật sự gương mẫu, nâng cao nhận thức trong mua sắm tài sản công, sinh hoạt và tiêu dùng hàng ngày ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm dịch vụ có chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam, góp phần đưa Cuộc vận động ngày càng phát huy hiệu quả, thiết thực; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, thực hiện tốt công tác kiểm tra kết hợp tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; không kinh doanh, vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm kém chất lượng; làm tốt công tác xúc tiến thương mại đưa hàng Việt về nông thôn; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp uy tín tại địa phương tham gia xúc tiến đưa hàng về khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, địa bàn có nhiều đối tượng nghèo, thu nhập thấp...


Các tin khác

TÀI LIỆU