TIN HOẠT ĐỘNG

Chung tay thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trong những năm qua, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể các cấp trong tỉnh đã thường xuyên phối hợp tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nhờ vậy, nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong các cấp lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên rõ rệt, có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, tạo thói quen dùng hàng Việt trong đại đa số người dân trong tỉnh.

Đưa hàng Việt về nông thôn.

Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhìn chung các cấp ủy Đảng, các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh thực hiện nghiêm túc việc tổ chức quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động. Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh đã kịp thời được củng cố, kiện toàn, xây dựng Quy chế hoạt động, xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động và đạt được những kết quả khả quan. Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Cuộc vân động bằng các chương trình hành động cụ thể, lồng ghép với các phong trào thi đua, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đề án “ phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh, động viên được các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia và đã thu được một số kết quả tích cực; đã làm nâng cao ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong ý thức trách nhiệm, phát huy trí tuệ, niềm tự hào của dân tộc,...thể hiện trong sản xuất và việc ưu tiên dùng hàng hóa sản xuất trong nước góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa mang thương hiệu Việt, thúc đẩy phát triển sản xuất, ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Công tác tuyên truyền vận động cũng được các cấp, các ngành và các đoàn thể triển khai thường xuyên, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, qua đó nhận thức về mục đích ý nghĩa, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành được xác định rõ, nhân dân, cán bộ đồng tình ủng hộ, đã tạo sự chuyển biến khá tích cực về việc đẩy mạnh sản xuất, quảng bá, tiêu thụ và ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam trong các tổ chức và đại đa số người dân.

Tọa đàm nâng cao hiệu quả Cuộc vận động.

Hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Sở Công thương, các ngành liên quan triển khai và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả trên một số lĩnh vực như:

1. Về công tác tổ chức tham gia hội chợ, triển lãm, kết nối cung cầu: Để quảng bá thương hiệu và các sản phẩm tiêu biểu của địa phương, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. Sở Công Thương đã hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia hội chợ, triển lãm tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Bình quân hàng năm hỗ trợ cho khoảng 20 doanh nghiệp trong tỉnh tham gia khoảng 15 hội chợ, triển lãm để đưa các sản phẩm tiêu dùng của địa phương đến người tiêu dùng cả nước như: Nước mắm, Thanh long, mủ Trôm, Tảo Spirulina, Hải sản,… Bên cạnh đó, Sở Công Thương kêu gọi các doanh nghiệp các tỉnh, thành cả nước tham gia Hội chợ triển lãm tại địa phương, để người dân được lựa chọn mua sắm, tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa chất lượng do doanh nghiệp trong nước sản xuất; Thông qua các chương trình kết nối cung cầu tại Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành miền Đông - Tây Nam bộ; Chương trình Xúc tiến Thương mại quốc gia; chương trình hợp tác giữa Sở Công Thương 3 tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận - Lâm Đồng để kết nối các doanh nghiệp với nhau trong tiêu thụ sản phẩm. Một số sản phẩm của tỉnh đã có mặt tại các siêu thị Co.op Mart, Big C, Metro và tại các chợ đầu mối ở các tỉnh thành, đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.

2. Về công tác hoạt động khuyến mãi: Hoạt động khuyến mãi đã được doanh nghiệp quan tâm hơn, số lượng chương trình tổ chức ngày càng nhiều; hàng năm, Sở Công Thương tiếp nhận trên 1.200 chương trình khuyến mãi của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, thông qua các chương trình khuyến mãi đã gây ấn tượng, sự chú ý của người tiêu dùng, tạo không khí sôi động để thu hút khách hàng, nhất là các siêu thị, các cửa hàng chuyên doanh, các doanh nghiệp kinh doanh tổng hợp, với nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng… Đặc biệt là các doanh nghiệp đã tổ chức kết hợp hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với các chương trình khuyến mãi tại địa phương, như siêu thị Co.op Mart Phan Thiết tổ chức chương trình “Tự hào hàng Việt” thu hút khá đông người dân tham gia, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

3. Về chương trình đưa hàng Việt về nông thôn: Trung bình mỗi năm tổ chức 5 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, thu hút khoảng 25 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia, với 60 đến 80 gian hàng trưng bày sản phẩm hàng Việt Nam. Trong đó đáng chú ý là Chương trình đưa hàng Việt ra đảo Phú Quý, được bà con đồng tình, ủng hộ. Chương trình diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, thông qua việc tổ chức các chương trình khuyến mại, dịch vụ chăm sóc khách hàng đã thu hút nhiều người dân mua sắm các sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước. Các sản phẩm hàng Việt đã dần chứng tỏ thương hiệu, thị hiếu người tiêu dùng đã dần được thay đổi thông qua chọn lựa hàng Việt thay cho các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ,...

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế: Công tác thông tin tuyên truyền về hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động đã từng bước đi vào chiều sâu, có tính lan tỏa trong người dân. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về Cuộc vận động thực hiện chưa thường xuyên, liên tục, việc kết nối, chia sẻ thông tin, phối hợp triển khai công tác tuyên truyền giữa các cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ, chưa có nhiều hình thức tuyên truyền phong phú để đáp ứng trong tình hình mới; mẫu mã, chất lượng, sức cạnh tranh một số loại sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất trong nước tuy đã được nâng lên đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, mẫu mã đa dạng, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại còn ít; kinh phí hỗ trợ từ các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, của tỉnh, để hỗ trợ Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế; việc giới thiệu sản phẩm và tiêu thụ hàng hóa được các doanh nghiệp quan tâm thông qua chương trình Hội chợ, giới thiệu sản phẩm hàng hóa tại các địa phương. Tuy nhiên vẫn còn một số mặt hàng trưng bày không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng không đảm bảo, không phải là hàng sản xuất tại Việt Nam; Hiện nay, một số chuỗi cửa hàng (VinMart, Bách Hóa Xanh) đang phát triển mạnh tại địa bàn tỉnh Bình Thuận (24 cửa hàng), trong đó nhiều mặt hàng được nhập khẩu từ nước ngoài như thịt gà, thịt bò, hàng nông sản, hàng tiêu dùng như mì Ý, Hàn Quốc,… Do vậy, việc cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu là rất khó khăn về giá cả, chất lượng sản phẩm.

Trong thời gian đến để đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng Cuộc vận động, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về Cuộc vận động; cần nghiên cứu cần bổ sung chuyên mục trên các trang thông tin điện tử của địa phương về Cuộc vận động như: thông tin tuyên truyền và nhất là quảng bá các sản phẩm lợi thế của địa phương (mỗi xã một sản phẩm); quan tâm mở các lớp tập huấn cho cán bộ ở địa phương để thực hiện tốt công tác tuyên truyền; nghiên cứu, xây dựng các nội dung thông tin tuyên truyền Cuộc vận động thông qua tờ rơi, sổ tay, kỷ yếu để cung cấp cho người dân; hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp trong tỉnh đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trướng, đáp nhu cầu tiêu dùng của người dân thông qua các chương trình khuyến công quốc gia; tổ chức nhiều hơn nữa các phiên chợ, hoặc chương trình đưa hàng Việt về nông thôn với quy mô lớn hơn, sản phẩm đa dạng hơn. Đưa hàng Việt chất lượng cao vào các gian hàng tại các chợ trên địa bàn, từng bước xây dựng các đại lý phân phối các sản phẩm hàng Việt chất lượng cao tại các vùng nông thôn. Cần có sự đánh giá của người dân thông qua các phiên chợ hàng Việt để từ đó có định hướng các sản phẩm cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tỉnh cần có sự chỉ đạo và yêu cầu một số doanh nghiệp kinh doanh thương mại bán lẻ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tăng tỷ lệ hàng Việt Nam trong cơ cấu ngành hàng của đơn vị; ưu tiên dành những vị trí thuận lợi để trưng bày, giới thiệu sản phẩm và bán hàng Việt cho khách hàng; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; việc thực hiện quy định về giá hàng hóa, niêm yết và bán theo giá niêm yết./.


Các tin khác

TÀI LIỆU