TIN HOẠT ĐỘNG

Mặt trận Tuy Phong với việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Huyện Tuy Phong có 9 xã và 2 thị trấn với 30 thôn và 35 khu phố; các tầng lớp Nhân dân luôn phấn khởi, tin tưởng vào công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, các chính sách pháp luật của Nhà nước đã đi vào đời sống của đại bộ phận Nhân dân, Nhân dân an tâm và mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, các phong trào thi đua yêu nước ngày gắn bó thiết thực với đời sống cộng đồng, các hoạt động xã hội, từ thiện, truyền thống nhân ái do Mặt trận phát động được phát huy, các chính sách an sinh xã hội ngày càng được quan tâm đúng mức … đã tạo được sự đồng thuận hưởng ứng trong các tầng lớp Nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tuy Phong đã thực hiện tốt chủ trương đa dạng hóa các hình thức tập hợp, mở rộng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đã triển khai nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước có ý nghĩa thiết thực, được các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tham gia với tinh thần hăng hái và sáng tạo, thi đua lao động sản xuất, từng bước đóng góp có hiệu quả vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Đánh trống khai mạc Ngày hội.

Thực hiện chủ trương của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm nhân kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam); từ năm 2003 đến nay, hàng năm Mặt trận Tổ quốc các cấp trong huyện xây dựng kế hoạch cụ thể, định hướng cho cơ sở tổ chức có hiệu quả Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó, kết hợp tuyên truyền sâu rộng về lịch sử truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam trong công cuộc giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, những thành quả của việc xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới đất nước, trong phát triển của địa phương, cơ sở.

Thông qua việc tổ chức Ngày hội, các khu dân cư tổ chức sơ tổng kết kết quả thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Qua thực hiện các nội dung của cuộc vận động, nhận thức trong các tầng lớp Nhân dân đã có bước chuyển biến rõ nét, Nhân dân đã tự giác tham gia đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Từ năm 2003 đến cuối năm 2023 đã có 702.376 lượt hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đạt tỉ lệ 98,63% trên tổng số hộ; có 678.425 lượt hộ được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỉ lệ 90,93% trên tổng số hộ. Đến nay đã có 65/65 khu dân cư được công nhận thôn, khu phố văn hóa.

Phát huy truyền thống đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, uống nước nhớ nguồn, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc hoạn nạn, khó khăn, chăm sóc phụng dưỡng các gia đình thương binh liệt sỹ, Mẹ Việt Nam anh hùng, trẻ mồ côi, người tàn tật, tình đoàn kết cộng đồng đã từng bước được khơi dậy và đã phát huy tốt. Nhân dân đã ủng hộ xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 14 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng, sữa chữa nhà ở và chăm sóc người có công với nước. Nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm Mặt trận các cấp đã vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện và Nhân dân trên địa bàn dân cư ủng hộ, trao tặng gần 900.000 phần quà, trị giá trên 180 tỷ đồng giúp đỡ cho các hộ nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, đã vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ khám chữa bệnh cho các đối tượng khó khăn, trẻ em mổ tim, người mắc bệnh hiểm nghèo, trao học bổng cho học sinh nghèo, tặng quà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ bị tai nạn đột xuất, … Thông qua hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa” và đoàn kết “Tương thân tương ái” đã phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư, tình nghĩa xóm làng được phát huy; hộ chính sách khó khăn, các hộ nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tăng thêm niềm tin, cố gắng vươn lên vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống.

Các khu dân cư đã chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức Ngày hội, thông qua việc tổ chức phần Hội đã tổ chức các hoạt động Văn hóa văn nghệ - Thể dục thể thao, các hoạt động lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian, thu hút đông đảo cán bộ và Nhân dân tham gia, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã góp phần làm lành mạnh môi trường văn hóa - xã hội. Theo đó, các quy tắc văn hóa ứng xử nơi công cộng đã phát huy hiệu quả, được thể hiện rõ trong từng gia đình và trong khu dân cư, những tệ nạn xã hội đã giảm hẳn, các mâu thuẫn trong gia đình, thôn xóm về cơ bản được giải quyết thông qua công tác hòa giải tại cơ sở. Việc xây dựng nếp sống mới văn minh, tiến bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều phong trào mang tính nhân văn sâu sắc. Trong dịp tổ chức Ngày hội, các hộ dân ở các khu dân cư tổ chức quét dọn sinh, trang hoàng cờ hoa rực rỡ để việc tổ chức phần lễ thêm tươm tất; tích cực tham gia các nội dung trong phần lễ, phần hội và hoạt động thiết thực, … Tất cả tạo nên một không khí phấn khởi, vui tươi; ngày hội được tổ chức trên tinh thần tiết kiệm, an toàn nhưng vẫn mang lại cho mọi người dân và các đại biểu tham dự một ngày hội thật ý nghĩa, bổ ích.

Ngày hội là điểm nhấn trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy sức mạnh nội lực trong dân; tạo điều kiện để người dân bày tỏ ý kiến, hiến kế xây dựng khu dân cư ngày càng tiến bộ, văn minh, hạnh phúc. Qua thực tế tổ chức Ngày hội, nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết của người dân về những mặt còn hạn chế của từng khu dân cư được chỉ ra và đề xuất các giải pháp khắc phục. Những điển hình tiêu biểu được khen thưởng kịp thời, có thêm động lực và tạo sự lan tỏa ở cộng đồng dân cư; với những hộ chưa tự giác hoặc chưa thực hiện tốt cùng nghe để khắc phục. Đánh giá kết quả của Ngày hội từ năm 2003 đến nay, trọng tâm là việc thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu (mỗi năm khen thưởng trên 200 tập thể và trên 500 hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu).

Dưới sự tập hợp của Ủy ban Mặt trận các cấp trong huyện và các Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, Nhân dân đã đóng góp tài lực, trí tuệ, tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Rõ nét nhất thời gian qua là ủng hộ của Nhân dân trong phòng, chống dịch Covid-19; ủng hộ Quỹ vì người nghèo; hiến đất, ủng hộ kinh phí, ngày công xây dựng nông thôn mới… Qua 20 năm tổ chức Ngày hội, các khu dân cư đã huy động trên 30.000 lượt người làm vệ sinh môi trường, nạo vét khai thông trên 20.000 mét cống rãnh, thu gom trên 25.000 mét khối rác thải, san lấp và làm cứng hóa 136.800 mét đường bị sói lỡ, phát quang trên 58.000 mét bụi rậm, .... Gắn với tổ chức ngày hội đã trao 1.034 căn nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Vận động kinh phí để tổ chức thăm hỏi và tặng trên 30.000 suất quà quà cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, học sinh nghèo, người tàn tật, neo đơn,  trị giá trên 10 tỷ đồng. Qua đó đã tăng cường thêm tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Với ý nghĩa thiết thực, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đã, đang và sẽ tiếp tục được duy trì tổ chức nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong thời kỳ mới./.

  Tác giả: Ông Ngô Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tuy Phong.

 

                                                                          

 


Các tin khác

TÀI LIỆU