TIN MỚI NHẤT

Kết quả 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đề ra giải pháp về phát huy vai trò của nhân dân và MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội trong giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; phát huy vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, của nhân dân, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên. MTTQ Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ này.

Qua 5 năm thực hiện Quyết định số 217, Quyết định số 218 của Bộ Chính trị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì triển khai được 09 cuộc giám sát, kiến nghị 56 ý kiến với Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan quan tâm giải quyết; các hoạt động giám sát tập trung vào các vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa cấp bách với toàn xã hội như: Việc triển khai thực hiện giá cước bốc xếp, vận chuyển hàng hóa, hành khách tại các cảng Phú Quý, cảng cá Phan Thiết theo Quyết định số 913/QĐ-UBND ngày 11/5/2012 của UBND tỉnh Bình Thuận quy định tạm thời về mức thu bốc xếp và mức cước vận chuyển trên biển các loại mặt hàng tại các cảng của tỉnh Bình Thuận; công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan chức năng trong việc tổ chức, sắp xếp, quản lý các đội bốc xếp hai đầu cảng theo quy định; việc giải quyết tình hình ô nhiễm môi trường tại thôn Ung Chiếm, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc; việc triển khai chính sách tín dụng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện Quy chế dân chủ trong thực hiện dự án đường Lê Duẫn (đoạn từ đường Lê Hồng Phong đến đường Trần Hưng Đạo), thành phố Phan Thiết...

Ở tất cả 10 huyện, thị xã, thành phố và 127 xã, phường, thị trấn đã triển khai hoạt động giám sát theo nhu cầu của địa phương, có sự phối hợp chặt chẽ với Cấp ủy và chính quyền địa phương. Cấp huyện đã thực hiện được 79 cuộc, kiến nghị 247 ý kiến, cấp xã giám sát 593 cuộc, kiến nghị 1.897 ý kiến đến UBND cùng cấp và các ngành liên quan giải quyết. Công tác phản biện xã hội được triển khai sâu rộng và hiệu quả hơn. Ở cấp tỉnh tổ chức 02 cuộc phản biện xã hội; cấp huyện được 06 cuộc và cấp xã được 517 cuộc. Tổ chức hơn 500 cuộc đối thoại, các cuộc đối thoại này đều được người đứng đầu tiếp thu giải trình và hầu hết các ý kiến được giải quyết ngay tại các hội nghị đối thoại…

Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả và hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của chính quyền các địa phương; kiến nghị những giải pháp thực hiện đúng và hiệu quả hơn; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp thống nhất hành động giữa các thành viên của Mặt trận, phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nhất là cơ sở. Qua đó, góp phần bảo đảm và tăng cường an ninh trật tự xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước./.


 


 


Các tin khác

TÀI LIỆU