Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư ở thành phố Phan Thiết là dịp để cán bộ, nhân dân ở khu dân cư ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; qua đó, khẳng định sức mạnh của khối Đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đooạn hiện nay. Thông qua ngày hội, là dịp nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, các ngành các tầng lớp nhân dân về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về sự nghiệp đại đooàn kết toàn dân tộc; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các phong trào thi đua yêu nước để thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tự giác tham gia ở khu dân cư. Ngày hội còn là dịp để các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp cùng sinh hoạt với nhân dân, nắm rõ tình hình đời sống và những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có giải pháp phát triển kinh tế, văn háo, xã hội ở địa phương, cơ sở, đây cũng là dịp để người dân các khu dân cư ngồi lại với nhau, cùng nhìn nhận, đánh giá những công việc đã làm được và chưa làm được trong năm qua, trao đổi rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp tiếp tục thực hiện trong năm tới.
Nhận thức rõ ý nghĩa và giá trị nhân văn sâu sắc của Ngày hội; hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ hai cấp thành phố xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các Ban công tác Mặt trận khu dân cư trong toàn thành phố tổ chức Ngày hội. Trước ngày hội diễn ra hàng năm, các khu dân cư đã làm tốt công tác tuyên truyền, thông báo thời gian tổ chức ngày hội; phối hợp với Đài truyền thanh, Văn hóa thông tin xã, phường tuyên truyền đề cương kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kết quả thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng Nông thôn mới - Đô thị văn minh và truyền thống MTTQ địa phương; kẻ vẽ pa nô, áp phích, khẩu hiệu, treo cờ Tổ quốc trên các trục đường chính của địa phương và khu dân cư; tuyên truyền, phát động đoàn viên, hội viên và nhân dân ở khu dân cư tổ chức tổng vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải; vận động nhân dân, đảm bảo trật tự ATGT, tạo cảnh quan sáng xanh - sạch - đẹp trong khu dân cư. Ban công tác Mặt trận mời các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, đảng viên sinh hoạt nơi cư trú về dự, tặng hoa, tặng quà chúc mừng Ngày hội. Đài truyền thanh, Phòng văn hóa thông tin, Trung tâm văn hóa thành phố, truyền thanh các phường, xã đã tập trung tuyên truyền, hỗ trợ phương tiện và phản ánh kịp thời hoạt động của các đồng chí lãnh đạo về dự Ngày hội cùng nhân dân, tạo không khí phấn khởi góp phần vào thành công của Ngày hội.
Về phần hội, hầu hết các khu dân cư chuẩn bị công phu nên diễn ra khá tốt. Một số khu dân cư tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, hoặc tổ chức các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao cầu lông, bóng bàn, cờ tướng, bóng đá, kéo co…, nhiều tiết mục văn nghệ ca ngợi quê hương, đất nước mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trước giờ khai mạc ngày hội bà con tổ chức múa lân, dâng hoa Bác, đánh trống hội... Đi đôi với các hoạt động VHVN-TDTT, các phường, xã cũng đã huy động sức dân cùng với sự hỗ trợ nguồn vốn của nhà nước triển khai xây dựng các công trình phúc lợi cộng đồng; xây dựng, sửa chữa nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo; thu gom rác thải, nạo vét cống rảnh, phát quang bụi rậm; thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng nghèo, cận nghèo, người tàn tật, học sinh nghèo, gia đình chính sách và khen thưởng cho học sinh nghèo…Trong 15 năm qua, các phường, xã đã huy động trên 44,9 tỉ đồng để xây dựng, sửa chữa trường học, chợ, trụ sở khu phố, thôn, nhà tình thương, nhà tình nghĩa, nạo vét hệ thống thoát nước, trang thiết bị hội trường khu phố, thôn, làm đường bê tông xi măng, điện chiếu sáng, trùng tu nơi thờ cúng tín ngưỡng dân gian...Ngoài ra, trước ngày hội các khu phố, thôn đã huy động 29.008 lượt người để nạo vét 20.778m cống rãnh, thu dọn 10.867 m3 rác thải và phát quang 2.650m bụi rậm mọc ven đường; thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng nghèo, cận nghèo, người tàn tật, học sinh nghèo, gia đình chính sách và khen thưởng cho học sinh nghèo học khá, giỏi…với tổng trị giá gần 905 triệu đồng; triển khai thực hiện vận động Tháng cao điểm “Ngày vì người nghèo” với số tiền 9.1 tỉ đồng.
Về phần lễ, đa số các khu dân cư đã thực hiện theo đúng nội dung, chương trình hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và thành phố. Báo cáo sơ kết 01 năm thực hiện cuộc vận động của các khu dân cư khá sinh động, gắn kết với các nội dung thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh. MTTQ phường, xã đã tổ chức tặng quà cho hộ chính sách và hộ nghèo; biểu dương khen thưởng các gia đình văn hóa tiêu biểu, tổ chức phát động thi đua thực hiện Cuộc vận động năm tiếp theo. Đối với kinh phí và các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ Ngày hội, được UBND phường, xã hỗ trợ theo qui định, nhiều khu dân cư vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, các cá nhân tiêu biểu, hộ gia đình làm ăn khấm khá ủng hộ tổ chức Ngày hội. Nhiều nơi dựng sân khấu ngoài trời, trang trí băng rôn, cờ khẩu hiệu lộng lẫy, thể hiện rõ không khí ngày hội, thu hút cán bộ, đảng viên và nhân dân về dự.
Công tác tổ chức Ngày hội ở các khu dân cư làm điểm của tỉnh, thành phố và theo sự phân công, các khu phố, thôn đã đón tiếp các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố, các tổ chức đoàn thể về dự chung vui ngày hội với nhân dân. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố chọn từ 1 đến 2 khu dân cư làm điểm, rút kinh nghiệm để tổ chức đồng loạt trong toàn thành phố. Trong 15 năm qua, có 63 lượt lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh và 124 lượt lãnh đạo Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND, Ban Thường trực UBMTTQ thành phố đến tham dự Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư. Cùng với sự tham gia của các Ban ngành đoàn thể, các tổ chức, đơn vị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn khu phố, thôn, với tổng số 318.425 lượt người/tổng số trên 50 ngàn hộ của toàn thành phố (bình quân mỗi năm có trên khoảng 21.000 lượt người tham dự). Trong đó, CBCNV cư trú tại địa bàn: 56.623 lượt người; Nhân dân: 251.654 lượt người; Nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo: 3.368 lượt người và các đối tượng khác: 6.780 lượt người
Việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư trong những năm qua luôn được các cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo toàn diện, cụ thể, sâu sát (Có văn bản chỉ đạo, phân công các đồng chí cấp ủy hai cấp tham dự. Đối với một số phường, xã có văn bản của Đảng ủy phân công cụ thể các đồng chí cấp ủy theo dõi, phụ trách từng khu phố, thôn). Chính quyền các cấp đảm bảo kinh phí theo quy định...cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo nên bước chuyển mới và trở thành hoạt động xã hội rộng lớn, thiết thực động viên, chăm lo đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, thật sự là “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Thông qua việc tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt việc tốt, những điển hình, nhân tố mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thi đua phát triển sản xuất - kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, việc khen thưởng, biểu dương khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu trong ngày hội góp phần xây dựng con người về đạo đức, lối sống, nếp nghĩ, cách làm, tương thân, tương ái.... vươn lên làm giàu chính đáng, vì cộng đồng, mạnh dạn đấu tranh phê phán cái xấu, hình thành lối sống tốt đẹp, phù hợp trong trong cộng đồng dân cư, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông qua thực hiện các Cuộc vận động do MTTQVN phát động và tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã xuất hiện phong trào thi đua xây dựng phát triển các thiết chế văn hóa, như ủng hộ xây dựng trụ sở khu phố, thôn và các loại thiết bị âm thanh, loa máy, điện nước, được xây dựng, mua sắm phần lớn từ sự đóng góp tự nguyện tiền của, công sức của nhân dân, là nơi tổ chức Ngày hội, nơi sinh hoạt của cộng đồng dân cư, làm cho các khu phố, thôn ngày càng khởi sắc. Bên cạnh đó, thông qua tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, các trò chơi dân gian được khơi dậy, phát huy, như đờn ca cổ nhạc, thể dục dưỡng sinh, câu lạc bộ thơ ca, nhiều môn thể thao truyền thống tiếp tục được giữ gìn, phát huy như kéo co, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, cờ tướng…; đồng thời góp phần bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng tham mưu, phối hợp, tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ Mặt trận nhất là Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức Ngày hội còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Nội dung, thời lượng tuyên truyền chưa sâu rộng, đa dạng; Báo cáo sơ kết chưa nêu bật được kết quả và kinh nghiệm thực tiễn của Cuộc vận động gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, chưa đề ra được các giải pháp nâng cao chất lượng Cuộc vận động. Bên cạnh đó, chất lượng tổ chức ngày hội chưa đồng đều giữa các phường, xã; một số khu phố, thôn tổ chức Ngày hội còn mang tính hình thức cho xong việc; công tác xét và công nhận gia đình văn hóa ở một số khu phố, thôn còn chạy theo thành tích. Năng lực tổ chức điều hành của Trưởng, phó Ban công tác Mặt trận một số nơi còn lúng túng. Một số khu dân cư cơ sở vật chất hạn chế, kinh phí khó khăn; chưa tranh thủ xã hội hóa các nguồn lực, nên các hoạt động của Ngày hội còn đơn điệu. Việc khen thưởng Gia đình văn hóa còn gặp nhiều khó khăn, chưa thật sự trở thành động lực thúc đẩy phong trào.
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư cần nghiên cứu một số giải pháp như: Việc tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” cần phát huy sự sáng tạo của mỗi khu dân cư, tùy theo đặc điểm của từng nơi để tổ chức cho phù hợp. Mỗi năm cần lựa chọn được một chủ đề thích hợp, khuyến khích các khu dân cư tổ chức Ngày hội theo hình thức liên khu dân cư nhằm tạo điều kiện trao đổi, học tập lẫn nhau, tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa các khu dân cư.Phần Lễ và phần Hội, đảm bảo yêu cầu chung là vui tươi, phấn khởi, trang nghiêm, trang trọng, hiệu quả không phô trương, hình thức. Trong đó phần Lễ cần chú ý đảm bảo ngắn gọn, đầy đủ các nghi lễ theo hướng dẫn. Thời gian cả phần lễ và phần hội không nên vượt kéo dài thời gian. Phần Hội nên tổ chức ở khu dân cư vào trước khi diễn ra Ngày hội để mọi người trong khu dân cư có điều kiện tham gia, khuyến khích các hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian mang tính truyền thống của địa phương; chú ý phát huy vai trò, thế mạnh của các tổ chức thành viên, các tổ chức, cá nhân sinh sống tại địa bàn dân cư. Căn cứ vào tình hình cụ thể các địa phương nên tổ chức “Hội cơm làng” tại khu dân cư như xã Thiện Nghiệp. Mặt trận cấp trên cần hướng dẫn chủ đề, nội dung Ngày hội ngay từ đầu năm, tăng cường tập huấn cho Trưởng Ban công tác Mặt trận khu dân cư về kỹ năng tổ chức ngày hội, công tác phối hợp, phân công nhiệm vụ, dẫn chương trình, trang trí...phát huy và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất ở địa phương để ngày hội diễn ra trang nghiêm phấn khởi.