Theo báo cáo, trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ xã Hàm Thạnh đã tổ chức tuyên truyền Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các văn bản khác có liên quan đến việc thực hiện QCDC cho cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân. Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ xã tiếp tục được củng cố kiện toàn; tiến hành rà soát, bổ sung quy ước, hương ước của thôn, kịp thời tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiên QCDC cơ sở phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Hàng năm đều tổ chức hội nghị cán bộ, công chức đánh giá tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ năm trước, đề ra nhiệm năm sau; làm tốt việc thực hiện Quy chế dân chủ gắn với cải cách thủ tục hành chính, các hoạt động theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”....
Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ huyện Hàm Thuận Nam duy trì hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ đạo; chủ động rà soát bổ sung quy chế làm việc của Ban chỉ đạo, quy định về chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của Ban chỉ đạo, phân công thành viên Ban chỉ đạo, nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên. Hàng năm đều tổ chức đánh giá tình hình kết quả thực hiện Quy chế dân chủ năm trước và đề ra nhiệm vụ phương hướng năm sau. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các văn bản triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Thực hiện nghiêm túc việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, giữa lãnh đạo doanh nghiệp với người lao động. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực vận động nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ các cuộc vận động, các phong trào do địa phương phát động. Bên cạnh đó UBND huyện đã tập trung chỉ đạo và thực hiện việc cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả của cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa hiện đại; đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện liên thông giữa các cơ quan trong cùng cấp hành chính và giữa các cấp hành chính nhằm công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính với các hình thức thiết thực và thích hợp, giải quyết tốt công việc cho tổ chức, công dân và doanh nghiệp...
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được cũng còn tồn tại một số hạn chế, công tác tuyên truyền việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã Hàm Thạnh chưa được thường xuyên; vai trò của Ban TTND, Ban GSĐTCĐ chưa phát huy hết hiệu quả; việc kê khai tài sản thu nhập cá nhân của cán bộ, công chức chưa đạt; chưa quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát... Ban Chỉ đạo quy chế dân chủ huyện Hàm Thuận Nam chưa thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng việc thực hiện quy chế dân chủ; công tác giám sát theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị còn lúng túng, nhất là ở cơ sở; công tác kiểm tra quy chế dân chủ chưa đảm bảo, một số cơ quan, đơn vị việc tổ chức hội nghị cán bộ công chức còn chậm...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bố Thị Xuân Linh đề nghị các địa phương tiếp tục tổ chức quán triệt, sinh hoạt và tuyên truyền các văn bản liên quan đến việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân. Duy trì công tác tiếp dân, tổ chức thường xuyên các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, đối thoại giữa lãnh đạo công ty với người lao động để lắng nghe ý kiến tâm tư nguyện vọng của nhân dân, người lao động. Tăng cường công tác nắm bắt tình hình, tư tưởng của nhân dân để kịp thời giải quyết bức xúc, hạn chế khiếu kiện vượt cấp; thường xuyên rà soát và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ với cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); phát huy tốt hơn nữa vai trò kiểm tra, giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng ở cấp xã. Tăng cường công tác giám sát của Mặt trận và các đoàn thể ở địa phương. Vận động nhân dân tham gia góp ý, phản biện xã hội...