TIN MỚI NHẤT

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng ghi rõ “Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng”; Điều 85 Luật phòng, chống tham nhũng và Điều 23 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên Mặt trận trong việc tham gia phòng, chống tham nhũng như: “Tuyên truyền, vận động nhân dân và các thành viên tổ chức mình thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, kiến nghị các biện pháp nhằm phát hiện và phòng ngừa tham nhũng; Cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xác minh, vụ việc tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp phòng ngừa tham nhũng, xác minh vụ giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Kiến nghị cơ quan Nhà nước bảo vệ, khen thưởng đối với người có công phát hiện, tố cáo tham nhũng”. Thực hiện định hướng trên, thời gian qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã từng bước phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc vận động nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống tham nhũng và đạt được những kết quả tích cực.

Hội nghị tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng.

9 tháng đầu năm 2018, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-MTTW-UB, ngày 22/01/2018 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018-2020. Phối hợp với các tổ chức thành viên bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú đã tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 06-KH/TU ngày 17/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 08/01/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sinh hoạt, công tác; Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 15/8/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí... trong cán bộ, công chức và nhân dân. Qua đó nhằm ngăn ngừa và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ động và nghiêm túc thực hiện chính sách, pháp luật và những quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng như xây dựng các quy chế, quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; quy chế dân chủ trong cơ quan, quản lý tốt các nguồn quỹ do nhân dân đóng góp để xoá đói, giảm nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt... bảo đảm tính công khai, minh bạch. Trong quá trình thực hiện, Mặt trận đã kết hợp nắm bắt tình hình tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, động viên nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng; phát hiện kịp thời các hành vi tiêu cực, chuyển các đơn, thư kiến nghị của nhân dân đến các cơ quan có thẩm quyền trả lời, giải quyết theo Luật định hoặc tập hợp, kiến nghị với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

Thực hiện Quyết định 217, 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ trì cùng các ban, ngành liên quan tổ chức được 03 cuộc phản biện, 56 cuộc giám sát, kiến nghị 136 ý kiến đến các cơ quan có liên quan để phản ánh những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham gia góp ý kiến vào 10 dự án Luật và đóng góp trực tiếp vào 15 văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương. Đồng thời, Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương cũng đã tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản pháp luật, bao gồm các nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp. Tổ chức các hội nghị tập huấn triển khai các văn bản pháp luật, như: Công tác dân tộc - tôn giáo, hướng dẫn xây dựng quy ước khu dân cư; Luật phòng, chống tham nhũng; Luật Hòa giải cơ sở; Luật Trẻ em; Nghị định số 159/2016/NĐ-CP, ngày 29/11/2016 của Chính phủ về việc hướng dẫn thực hiện Luật Thanh tra nhân dân.

Hội nghị tập huấn công tác TTND, GSĐTCĐ năm 2018

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tăng cường công tác giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư; củng cố phát huy vai trò trách nhiệm của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn vận động nhân dân tham gia phát hiện, tố giác các hành vi tiêu cực, lãng phí trong đội ngũ cán bộ, công chức. Hiện nay, toàn tỉnh có 127 Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng/127 xã, phường, thị trấn; hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại nhiều địa phương đạt nhiều kết quả, qua đó đã phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân trong việc giám sát thi công xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh ở cộng đồng dân cư từ nguồn ngân sách nhà nước và nhân dân đóng góp. Đã tiến hành giám sát hơn 200 cuộc, hơn 100 công trình tập trung ở các lĩnh vực như: xây dựng, giao thông nông thôn, văn hoá, giáo dục, nhà tình thương, tuyến hẽm nội thị… với tổng giá trị khoảng hơn 50 tỷ đồng, trong đó vốn huy động nhân dân gần 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó Ban Thanh tra nhân dân còn tham gia cùng chính quyền thực hiện tốt công tác tiếp dân và theo dõi việc giải quyết đơn thư của chính quyền; những hoạt động đó đã làm chuyển biến một bước phong cách lãnh đạo, quản lý của cán bộ cơ sở, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng chính quyền vững mạnh.

Cùng với hoạt động giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thường xuyên chủ động nắm bắt tình hình các tầng lớp nhân dân và những ý kiến, kiến nghị của công dân; hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền các cấp, các ngành đã có những chuyển biến tích cực, chú trọng việc tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa người khiếu kiện, người bị khiếu kiện với cơ quan chức năng, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm những vụ khiếu kiện đông người, phức tạp. Mặt trận các cấp đã tiếp 168 lượt công dân, tiếp nhận 115 đơn thư khiếu nại, tố cáo đã chuyển cho các cơ quan chức năng xem xét giải quyết. Phối hợp với chính quyền thực hiện tiếp công dân định kỳ tại trụ sở tiếp công dân do chính quyền chủ trì, tiếp nhận và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, trong quá trình tiếp dân, Mặt trận kịp thời phát hiện những vụ việc có liên quan đến tham nhũng để trình lên các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, góp phần hạn chế tham nhũng.

Trong thời gian đến, để Luật Phòng, chống tham nhũng thực sự đi vào cuộc sống và việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả thiết thực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tiếp tục tập trung triển khai sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về Quy chế hoạt động của MTTQ Việt Nam, Quy chế dân chủ ở cơ sở. Qua đó, huy động toàn dân tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng như một phong trào thi đua yêu nước. Tăng cường hơn nữa công tác giám sát việc thực hiện cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan công quyền và cán bộ, công chức Nhà nước, góp phần giảm thiểu những hành vi tiêu cực. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm chống lãng phí gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Phối hợp làm tốt công tác đối thoại của công dân với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền qua đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của nhân dân. Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý nghiêm minh những vụ việc mà nhân dân phát hiện tố giác hành vi tham nhũng tạo lòng tin cho nhân dân, từ đó động viên nhân dân tích cực tham gia trong việc phòng, chống tham nhũng.


Các tin khác

TÀI LIỆU