TIN MỚI NHẤT

Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Bình Thuận: Qua 01 nhiệm kỳ hoạt động

Người Chăm Hồi giáo Bàni ở tỉnh Bình Thuận có 3.767 hộ/19.216 khẩu, chiếm tỉ lệ khoảng 1,60% dân số của tỉnh; định cư và làm ăn sinh sống lâu đời, tập trung chủ yếu ở 05/10 huyện, thị xã, thành phố như: huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân. Mỗi làng Chăm theo đạo Hồi Bàni đều có một chùa, đứng đầu có một hoặc hai vị Sư cả thay Ngài giáo chủ Mô-ha-mét để điều hành công việc tôn giáo, tổ chức các lễ hội như: Ramưwan, SukDzơng, tấu chức Sư cả, tang, cưới… Hàng năm, cứ vào tháng Ramưwan của Hồi lịch, các chức sắc, tu sĩ vào chùa tu một tháng và hàng đêm tín đồ đều vào chùa để cầu nguyện. Chức sắc, nhà tu hành có 326 người. Trong đó: 10 Sư cả, 125 Mươm 40, 34 Mươm cựu, 10 Mươm tân, 10 Tiếp tân và 141 Thầy Chang. Cơ sở thờ tự có 13 (10 chùa và 03 dinh).

Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh tổng kết hoạt động

Để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của tất cả chức sắc, nhà tu hành và nguyện vọng tín ngưỡng quần chúng tín đồ người Chăm Hồi giáo Bàni tỉnh Bình Thuận; UBND tỉnh đã cho phép thành lập Ban Đại diện lâm thời cộng đồng Hồi giáo Bàni tỉnh từ tháng 10/2009 và chính thức được Sở Nội vụ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo số 2570/GCN-SNV ngày 03/12/2010. Năm 2012, được Chủ tịch UBND tỉnh Quyết định công nhận và tổ chức Đại hội thành lập Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Bình Thuận lần I, nhiệm kỳ 2012 - 2016.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh hoạt động theo phong tục, tín ngưỡng của tôn giáo đúng điều khoản đã đưa ra trong bản Quy ước, Quy chế mà Hội đồng Sư cả nhiệm kỳ 2012 - 2016 đã ban hành phù hợp với đặc điểm tôn giáo. Trong nhiệm kỳ, Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh tham gia rất nhiều Hội nghị lớn do Đảng và Nhà nước tổ chức từ Trung ương đến tỉnh, huyện và địa phương nơi cư trú; chủ trì, phối hợp với lãnh đạo các Sở, ban ngành chức năng của tỉnh, UBND huyện Tánh Linh giải quyết vấn đề mâu thuẫn nội bộ trong chức sắc tôn giáo ở Khu phố Chăm, thị trấn Lạc Tánh trong việc thống nhất ngày, giờ tổ chức các lễ hội...v.v.... phù hợp với phong tục tập quán từ lâu đời của bà con Chăm tại địa phương, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội. Chức sắc, tín đồ và bà con Chăm theo đạo Hồi giáo Bàni luôn đoàn kết, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cũng như các phong trào thi đua do chính quyền địa phương phát động, như: phong trào “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Nhiều chức sắc, tín đồ Hồi giáo Bàni hiện nay, ngày càng gương mẫu, có ý thức tự lực vươn lên vượt khó làm giàu chính đáng, tham gia xây dựng làng, xã, thôn văn hóa, xóa bỏ dần tập tục lạc hậu trong cưới hỏi, tang, lễ…., góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Trong nhiệm kỳ tới, Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh tiếp tục giữ mối đoàn kết nội bộ trong chức sắc, phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương, phát huy truyền thống quý báu của văn hóa Chăm Hồi giáo Bàni đúng với bản sắc văn hóa của dân tộc; thực hiện tốt các nghi lễ tín ngưỡng tôn giáo trong đời sống tâm linh của cộng đồng người Chăm Hồi giáo Bàni; tăng cường công tác vận động, tuyên truyền trong chức sắc, tu sĩ và tín đồ chủ động đấu tranh, phòng, chống lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá, làm phương hại đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sống“tốt đời, đẹp đạo”; xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, tham gia các hoạt động xã hội từ thiện và các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, góp phần xây dựng Bình Thuận ngày càng phát triển.

Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh sẽ tổ chức Đại hội lần II, nhiệm kỳ 2016 – 2020 , dự kiến vào cuối tháng 8/2016.


 


Các tin khác

TÀI LIỆU