TIN MỚI NHẤT

Công tác Mặt trận sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.

Xác định tầm quan trọng của công tác dân vận, ngay sau khi có Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác dân vận, Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết trong hệ thống Mặt trận các cấp trong tỉnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực công tác Mặt trận.

Ba năm qua (2013-2015), dưới sự lãnh đạo của Cấp ủy, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã thường xuyên theo dõi đôn đốc kiểm tra, giám sát việc tổ chức học tập thực hiện Nghị quyết gắn với thực hiện nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay” và Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua đó, đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận đã được nâng cao nhận thức hơn về vị trí, vai trò công tác dân vận trong tình hình mới, xem đây là nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phối hợp trong thực hiện công tác dân vận giữa cơ quan, đơn vị với cấp ủy và các tổ chức đoàn thể quần chúng. Công tác dân vận trong cơ quan MTTQ các cấp được chú trọng gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của cán bộ và nhân dân tham gia giám sát, phản biện và quản lý xã hội; công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng lãng phí tiếp tục Mặt trận các cấp triển khai thực thiện. Cấp ủy chi bộ đã phối hợp với thủ trưởng cơ quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong cán bộ, công chức, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Công tác dân vận chính quyền được tăng cường và đổi mới gắn với thực hiện nội dung “5 xây, 3 chống” của Tỉnh ủy, công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, lề lối làm việc, chấn chỉnh thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức, đảng viên nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân. Mặt trận các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, giữ vững mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã từng bước mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao trách nhiệm của cán bộ Mặt trận làm công tác dân vận trong việc giám sát, tháo gỡ vướng mắc, giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Hiện nay, toàn tỉnh có 127 Ban Thanh tra nhân dân/127 xã, phường, thị trấn với 991 thành viên; có 126/127 xã, phường, thị trấn, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng do Ban Thanh tra nhân dân đảm nhận, có 01 địa phương (thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình) thành lập riêng Ban Giám sát đầu tư cộng đồng với 09 thành viên. Thời gian qua, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đã phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân trong việc giám sát thi công xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh ở cộng đồng dân cư từ nguồn ngân sách nhà nước và nhân dân đóng góp. Kết quả đã tổ chức giám sát 2.149 công trình tập trung ở các lĩnh vực như: xây dựng, giao thông nông thôn, văn hoá, giáo dục, nhà tình thương… với tổng giá trị trên 420 tỷ đồng, riêng vốn huy động trong nhân dân trên 105 tỷ đồng.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, các hình thức tuyên truyền tiếp tục được đổi mới về nội dung và hình thức, trọng tâm là vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... Hàng năm có trên 95% số hộ gia đình trong tỉnh đăng ký xây dựng gia đình văn hoá, có trên 85% số hộ được công nhận đạt gia đình văn hoá. Toàn tỉnh có 703/705 thôn, khu phố phát động xây dựng thôn, khu phố văn hóa và phát động 14 xã, phường, thị trấn xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới, đô thị văn minh. Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 606/705 thôn, khu phố có trụ sở sinh hoạt; 54 cơ sở thờ tự và 48 dòng tộc được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương trong tỉnh công nhận là cơ sở thờ tự và dòng tộc văn hoá. Tỷ lệ thôn, khu phố đạt danh hiệu thôn, khu phố văn hóa đều tăng; nhiều thôn, khu phố và Trưởng Ban Công tác Mặt trận tiêu biểu đã được Trung ương biểu dương. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ ở các cấp Mặt trận đến các tầng lớp nhân dân gắn với phong trào thi đua xây dựng thôn, khu phố vững mạnh. Ba năm qua, hàng trăm km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được nhân dân triển khai xây dựng với tổng giá trị huy động trong nhân dân lên đến hàng trăm tỷ đồng; nhiều tuyến đường văn minh, mô hình ánh sáng an ninh, ánh sáng nông thôn đang được tiếp tục triển khai và nhân rộng... Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả, từ năm 2013 đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp trong tỉnh đã vận động gần 40 tỷ đồng, cùng các nguồn kinh phí từ ngân sách, chương trình 134, 167 của Chính phủ... đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 926 căn nhà tình thương cho hộ nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức đưa hàng Việt có chất lượng phục vụ đồng bào nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các chương trình Hội chợ triển lãm được chọn lọc theo hướng thiết thực, hiệu quả đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa trong nước... góp phần thúc đẩy việc thực hiện các Nghị quyết của Chính Phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, bình ổn thị trường.

Phát huy những kết quả đạt được qua hơn 03 năm thực hiện Nghị quyết, trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, giáo dục quan điểm “Dân vận khéo”, đường lối của Đảng, Nhà nước, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo Trung ương, Tỉnh ủy về tăng cường công tác dân vận của hệ thống chính trị phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, đơn vị; xây dựng cho cán bộ có tinh thần tôn trọng và phục vụ nhân dân, xây dựng và thực hành phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Rèn luyện cho cán bộ Mặt trận biết cách vận dụng thành thạo các bước công tác: Điều tra, nghiên cứu, khảo sát nắm chắc tình hình nhân dân trên địa bàn, tuyên truyền, giáo dục nhân dân về chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định ở địa phương; vận động, thuyết phục nhân dân hưởng ứng, tham gia phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, phong trào “Xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”; hướng dẫn nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động; đồng thời xây dựng kế hoạch, chương trình học tập, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, phương pháp “Dân vận khéo” cho cán bộ, đảng viên, cán bộ làm công tác dân vận.


 


Các tin khác

TÀI LIỆU